Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Không khí chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam đã sớm lan tỏa đến từng ngõ, xóm, địa bàn khu dân cư ở tỉnh Bắc Giang. Hơn 2.200 công trình, phần việc chào mừng sự kiện này đã hoàn thành.
Đặc biệt, nhân dân Bắc Giang còn đón tin vui khi địa phương này đã vươn lên đứng thứ 16/63 tỉnh thành về tổng sản phẩm trên địa bàn (GDRP). Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang Trần Công Thắng đã chia sẻ với Đại Đoàn kết về những thành tựu, thời cơ và thách thức đối với người làm Mặt trận.
PV:Nhìn lại những năm qua, ông có nhận định gì về nhiệm vụ của Mặt trận Bắc Giang trong hành trình phát huy và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân?
Ông Trần Công Thắng: Bắc Giang có truyền thống đoàn kết, yêu nước với những trang sử oai hùng, chiến thắng Xương Giang, khởi nghĩa Yên Thế vang mãi cùng lịch sử dân tộc; với nhiều lễ hội truyền thống cùng với 18 làng quan họ cổ và 700 di tích lịch sử Quốc gia và cấp tỉnh.
Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bắc Giang trở thành một trong bốn tỉnh đầu tiên trong cả nước khởi nghĩa giành được chính quyền cấp tỉnh; trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh có 4/16 anh hùng của cả nước; trong kháng chiến chống Mỹ, hơn 7 vạn người con của quê hương đã lên đường chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ Bắc Giang phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, ra sức thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng; thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế và nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng; nhạy bén đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế… Ước tính tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh năm 2020 đứng thứ 16/63 tỉnh thành. Đấy là niềm tự hào của nhân dân Bắc Giang.
Có thể khẳng định cùng với sự ra đời, đấu tranh và phát triển của Đảng bộ tỉnh, 90 năm, trải qua 14 kỳ Đại hội, MTTQ Bắc Giang luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Từ việc tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho đến tích cực giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị tới cấp ủy, chính quyền và tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Bắc Giang với bạn bè quốc tế…
Ông có thể cho biết công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay có những thuận lợi, khó khăn nào?
- Ngày xưa thời chiến tranh cũng như thời bao cấp chúng ta có những khó khăn nhất định. Ngày nay, Đảng có đường lối đúng đắn về đại đoàn kết dân tộc, về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc vận động, tập hợp quần chúng thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước. Đảng vừa giữ vững vai trò lãnh đạo, vừa tôn trọng tính độc lập, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn của MTTQ.
Tuy nhiên, mỗi giai đoạn lịch sử lại có những khó khăn riêng. Phát triển kinh tế kéo theo ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, tham nhũng… Trong khi, công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao như an toàn thực phẩm, trật tự an toàn giao thông... Việc nắm bắt tình hình nhân dân còn bị động, chưa kịp thời; vẫn còn có những vụ việc bức xúc chưa thấy rõ vai trò phản ánh, tham mưu và tham gia giải quyết của Mặt trận. Việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua ở một số nơi, nhất là cơ sở còn chồng chéo, hiệu quả phối hợp chưa cao.
Công tác giám sát, phản biện mới chỉ tập trung ở cấp tỉnh, huyện; việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa kịp thời, thiếu quyết liệt. Nội dung, hình thức và giải pháp công tác tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền ở một số địa phương chưa rõ nét, kết quả còn hạn chế.
Vậy thời gian qua, cán bộ Mặt trận các cấp trên địa bàn Bắc Giang đã có những giải pháp gì để khắc phục những khó khăn ấy?
- Mặt trận các cấp đã tập trung tuyên truyền, vận động, tập hợp để người dân hiểu rõ, ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Tăng cường thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Đồng thời phát huy quyền làm chủ, để nhân dân bày tỏ ý kiến, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, các cấp Mặt trận củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Cán bộ Mặt trận tiếp tục hoàn thiện theo hướng trọng dân, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân.
Mặt trận ngày càng tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo ông, những hoạt động nào của MTTQ tỉnh Bắc Giang là nổi bật nhất, có nhiều đổi mới nhất?
- Trong thành tựu chung, có một số lĩnh vực mà MTTQ thể hiện rõ trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Dự kiến, hết năm 2020, Bắc Giang có 128/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân tiêu chí đạt 16,5 tiêu chí/xã; có 9 xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
MTTQ Bắc Giang cũng thu được nhiều thành tựu trong xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Toàn tỉnh đã xây 22.761 nhà “Đại đoàn kết”, trị giá 312 tỷ đồng; trao tặng hơn 200 nghìn suất quà cho học sinh hiếu học; trao tặng hàng nghìn bò giống, hơn 300 nghìn phương tiện làm ăn cho hộ nghèo; vận động thăm, tặng 595.886 suất quà, trị giá 148,5 tỷ đồng tặng người nghèo trong dịp Tết nguyên đán; vận động ủng hộ đồng bào miền Trung được trên 10 tỷ đồng. Trong đó MTTQ tỉnh trực tiếp ủng hộ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế với số tiền 4 tỷ đồng.
Chúng tôi cũng chủ động, tích cực trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó đã tạo được chuyển biến tích cực. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và hộ kinh doanh thương mại tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm 70%.
MTTQ cũng tăng cường giám sát, phản biện để phát huy dân chủ. Đến nay, tổ chức giám sát trực tiếp 1.196 cuộc, kiến nghị 3.049 ý kiến; phản biện 742 dự thảo văn bản, kiến nghị 1.557 ý kiến. Giám sát 26.093 cuộc thông qua Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng. Qua giám sát đã kiến nghị 740 việc sai phạm, thu hồi trên 1,6 tỷ đồng, 8.487m2 đất...
Trân trọng cảm ơn ông!
PV:Để thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, tỉnh Bắc Giang đã hiện thực hoá bằng những hoạt động cụ thể nào, thưa ông?
Ông Trần Công Thắng: Gắn với các ngày lễ lớn của đất nước, các ngành và Đại hội Đảng bộ các cấp, MTTQ các cấp tỉnh Bắc Giang đã phối hợp phát động phong trào thi đua rộng khắp, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ phía nhân dân. Toàn tỉnh có trên 2.200 công trình, phần việc chào mừng Đại hội, chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Mặt trận với tổng trị giá trên 3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 37 công trình trọng điểm như: Công trình xây dựng cầu vượt đường Xương Giang, thành phố Bắc Giang; cầu Bến Hướng bắc qua sông Thương thuộc gói thầu BG1, dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) lần 2; công trình cải tạo, nâng cấp, kéo dài tuyến đường Trần Phú nối với đường vành đai thị trấn Chũ, Lục Ngạn… MTTQ và các tổ chức thành viên đã có 750 Nhà Đại đoàn kết, trị giá gần 60 tỷ đồng; 2.132 phần việc như: Trồng, chăm sóc đường hoa; duy trì các Tổ tự quản bảo vệ môi trường do Ban CTMT chủ trì. Cán bộ, công chức Mặt trận các cấp thi đua thực hiện văn hóa công sở do Thủ tướng Chính phủ phát động…