Sơ sảy vì điều giỏi nhất
Sinh nghề, tử nghiệp”, khi người ta giỏi về lĩnh vực gì thì lại hay bị “xảy chuyện” với chính lĩnh vực đó. Nghe có vẻ thiếu logic, nhưng điều đó trong thực tế lại diễn ra thường xuyên, với nhiều người. Đơn giản vì khi giỏi dễ sinh tự phụ, chủ quan.
Trưa 15/11, ngay khi cơn bão số 13 vừa suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, biển còn động và sóng cao hàng mét, nhiều người dân TP Đà Nẵng đã “chen chân” xuống biển tắm, bất chấp nguy hiểm. Tất nhiên, những người dám xuống tắm phải là những người “dũng cảm”, biết bơi, nếu không sẽ bị sóng đánh dạt ra xa bờ và bị nhấn chìm vì kiệt sức. Song, ngay cả khi biết bơi cũng không ai dám chắc sẽ an toàn khi sóng biển còn rất mạnh.
Lẽ thường, khi biết bơi thì sẽ không bị đuối nước, ai cũng hiểu như vậy. Song, trên thực tế thì tỷ lệ người biết bơi bị đuối nước lại không phải là ít. Nói như vậy không có nghĩa cổ súy cho việc không học bơi, biết bơi sẽ tốt hơn không biết bơi rất nhiều. Song, ở góc độ nào đó, những người không biết bơi tự ý thức được rằng nếu sa xuống nước sẽ chết nên họ sẽ tránh xa, còn người biết bơi lại quá tự tin dẫn đến chủ quan nên dễ xảy chuyện.
Xin lấy một vài ví dụ. Chẳng hạn một người công nhân kỹ thuật lành nghề, hiểu về máy móc, theo lẽ thường sẽ không thể bị tai nạn lao động. Ấy vậy mà khá nhiều công nhân bậc 6, bậc 7 lại bị thương tật vì máy cắt... Lý giải về điều này thì chỉ có thể là vì họ quá giỏi nên sinh ra chủ quan, không để tâm khi làm việc mới dẫn đến tai nạn lao động.
Chẳng phải những người bị chết do điện giật hầu hết là thợ điện đó sao? Nói về điện, ai có thể giỏi bằng các anh thợ điện đây? Họ biết rõ sức con người có thể chịu được hiệu điện thế bao nhiêu thì không bị giật, cũng có thể phân biệt loại điện thế nào thì cần những loại bảo hộ gì để có thể cách điện an toàn... Vậy thì cớ sao họ lại vẫn chết vì điện giật? Đơn giản vì ý thức chủ quan trong khi làm việc, vậy thôi.
Hay như các bác sĩ ngoại khoa chẳng hạn. Ai có thể nói giỏi hơn những người thường xuyên phải sử dụng dao, kéo để phẫu thuật? Ai có thể mạnh miệng nói biết rõ cơ chế hoạt động của cơ thể con người hơn các bác sĩ đây? Vậy thì vì sao họ vẫn mổ nhầm hoặc khiến bệnh nhân tử vong trong chính lĩnh vực mà họ là chuyên gia? Người ta gán cho những trường hợp đó là “tai nạn nghề nghiệp”, nhưng thực chất chính là sự chủ quan.
Hiện, cả thế giới đều phải công nhận Việt Nam rất giỏi trong việc khống chế, kiểm soát đại dịch Covid-19. Điều đó rất đúng, bởi đến nay đã qua hơn hai tháng chúng ta không có ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, tỷ lệ người được chữa khỏi gần như tuyệt đối. Song, điều đó cũng không đủ để bảo vệ chúng ta khỏi đại dịch chết người này nếu mỗi người dân không thực sự có ý thức phòng dịch.
Phòng dịch không phải là cái gì đó to tát, mất thời gian, công sức hay tiền bạc. Phòng dịch chỉ đơn giản là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn, đeo khẩu trang nơi đông người. Ấy vậy trong khi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch Covid-19, các cấp, ngành, địa phương “rát họng” tuyên truyền, thậm chí còn quy định chế tài xử phạt, nhiều người vẫn “nói không” với khẩu trang khi ra đường.
Thử đặt vấn đề, nếu như trong số hàng chục, hàng trăm người “chen vai thích cánh” với nhau hàng ngày ở công sở, bệnh viện, trường học... chỉ cần có một người nhiễm SARS-CoV-2, thì sẽ có bao nhiêu bệnh nhân Covid-19? Chắc chắn số bệnh nhân Covid-19 sẽ được nâng lên rất nhanh theo cấp số nhân. Chẳng phải các nước hùng cường, giàu có, y tế tiên tiến như Mỹ, Đức và nhiều quốc gia châu Âu đã phải trả giá vì sự chủ quan đó sao?
Tại nhiều quốc gia phát triển có hàng trăm nghìn người, thậm chí hàng triệu người mắc Covid-19, hàng chục nghìn người tử vong. Với các nước như Anh, Pháp, Mỹ, Đức... nền y học của họ phát triển hơn Việt Nam rất nhiều, vì sao hậu quả từ đại dịch Covid-19 của họ lại nặng nề hơn?
Nếu như ngay lập tức áp dụng biện pháp khoanh vùng, dập dịch, truy vết, giãn cách xã hội, bắt buộc đeo khẩu trang... ngay khi phát hiện ra các ca Covid-19 đầu tiên, thì sẽ không phải “lao đao” vì đại dịch này. Khi mà các ca lây nhiễm trong cộng đồng đã quá nhiều, mọi cố gắng e rằng là quá muộn.
Từ người lại nhìn đến ta. Hiện, ý thức phòng dịch của số đông người dân chưa được coi trọng. Hầu hết mọi người ra đường, đến nơi công cộng đều không đeo khẩu trang vì tự tin rằng, Việt Nam đã “diệt sạch” Covid-19 từ lâu rồi. Đó là ý nghĩ hoàn toàn sai lầm, bởi trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, bất cứ lúc nào đại dịch Covid-19 cũng có thể quay trở lại. Vậy nên đừng chết vì chủ quan!