Sở hữu trí tuệ trong trường đại học
Chỉ tính 10 tháng đầu năm 2020, Trường Đại học (ĐH) Khoa học Tự nhiên (KHTN), ĐH Quốc gia Hà Nội đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT ) Việt Nam cấp 4 bằng độc quyền sáng chế, 5 bằng độc quyền giải pháp hữu ích và chấp nhận hợp lệ 17 đơn đăng ký SHTT.
Kết quả này tốt nhất từ trước đến nay về số lượng bằng độc quyền được cấp và số đơn đăng ký SHTT được chấp nhận hợp lệ của nhà trường.
Đây là chỉ dấu cho thấy Trường ĐH KHTN đang từng bước chuyển sang mô hình ĐH định hướng đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Đồng thời, điều này cũng góp phần khẳng định và nâng tầm thương hiệu của nhà trường trong bối cảnh số lượng đơn đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nhất là sáng chế đến từ các trường ĐH vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng lượng đơn đăng ký tại Cục SHTT.
Những năm gần đây, các trường ĐH nói riêng và ngành giáo dục nói chung đã quan tâm hơn đến việc đẩy mạnh NCKH trong trường ĐH bằng các dự án đặt hàng, các cơ chế lương thưởng… cho các công trình được công bố, khuyến khích đội ngũ giảng viên đầu tư cho các NCKH thay vì chỉ dành phần lớn thời gian, sức lực cho hoạt động đào tạo. Việc xây dựng một chiến lược khoa học và công nghệ một cách bài bản với yêu cầu gắn nhiệm vụ nghiên cứu với quy hoạch công tác đào tạo đã được nhiều trường đầu tư mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy hoạt động NCKH, trở thành nguồn lực và động lực cho người thực hiện.
Tuy nhiên, từ NCKH tới thực thi quyền SHTT tại các trường ĐH lại chưa hiệu quả là do phần lớn các trường chưa có quy định về SHTT phù hợp điều kiện hoạt động, dẫn đến khó khăn trong việc phân chia lợi nhuận khi tài sản trí tuệ được thương mại hóa. Việc xác lập quyền đăng ký bảo hộ sáng chế cho các sản phẩm NCKH chưa được các nhà khoa học nhận thức một cách đầy đủ, nhiều kết quả nghiên cứu chưa tiến hành đăng ký quyền SHTT.
Một chuyên gia cũng nhận định dù những năm gần đây số lượng các bài báo của trường ĐH công bố trên các tạp chí khoa học tăng đáng kể, nhưng nhiều nhà khoa học không nhận thức được cần đồng thời tiến hành bảo hộ các kết quả nghiên cứu đó. Ngoài ra, còn do nhiều trường chưa thành lập tổ chức có chức năng về SHTT và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ, tư vấn cho các nhà khoa học trong việc đăng ký, xác lập quyền SHTT và chuyển giao công nghệ.
Nhận thức được những rào cản này, để giải quyết chúng không chỉ là câu chuyện của cá nhân mỗi nhà giáo - nhà khoa học hay nhà trường mà còn là vấn đề của hệ thống giáo dục ĐH, của Đảng, Nhà nước với vai trò quản lý, định hướng. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, khi tạo ra được hành lang pháp lý về đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ, trong đó yêu cầu các trường ĐH chú trọng chuyển giao kết quả nghiên cứu và thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ thì các trường chủ động thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ, số đơn xin cấp sáng chế của các trường ĐH tăng cao. Nguồn vốn có được từ chuyển giao công nghệ đã giúp các trường có nguồn lực đáng kể để tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu.
Đó là xu hướng của thế giới và Việt Nam, trong tiến trình hội nhập và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu ở bậc học này cũng không thể đi chệch đường.