Kim Lân - Nhà văn của làng quê Việt

Hoàng Minh 17/11/2020 08:08

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn Kim Lân, với sự tham gia của gia đình, đồng nghiệp và đông đảo những người yêu mến văn chương của ông.

Quang cảnh Lễ kỷ niệm.

Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1/8/1920 tại thôn Phù Lưu (còn có tên gọi làng chợ Giầu), xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, Kim Lân bắt đầu có những truyện ngắn đầu tiên được in. Nhưng phải tới sau khi tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, năm 1944, cái tên Kim Lân bắt đầu nổi bật trên văn đàn với giọng văn chỉn chu, sắc bén; với những đề tài độc đáo như tái hiện sinh hoạt văn hóa thôn quê: Đấu vật, chọi gà, thả chim, những chuyện vui buồn sau lũy tre làng. Sự nghiệp văn chương của ông không đồ sộ, chủ yếu là truyện ngắn như Vợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí, Nên vợ nên chồng...

Tuy vậy, nhà văn này đã để lại trong tâm trí người đọc những ấn tượng khó quên về phong cách của một ngòi bút bình dị mà đặc sắc, tài hoa và khó trộn lẫn, ít phôi pha theo thời gian. Không chỉ là một nhà văn dành cả đời tâm huyết với sự nghiệp văn chương, nhà văn Kim Lân còn được công chúng biết đến là một diễn viên xuất sắc trong vai Lão Hạc của phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Bộ phim được xây dựng dựa theo tác phẩm của nhà văn Nam Cao.

Với những cống hiến cho nền văn học nước nhà, nhà văn Kim Lân vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt 1) năm 2001. Ông đã đi xa hơn 10 năm nhưng hình ảnh gần gũi, hiền từ và những tác phẩm khắc họa hình ảnh người nông dân bình dị mà cao quý vẫn mãi mang đậm trong tâm trí độc giả nước nhà.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Trong văn chương “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, điều đó hoàn toàn đúng với nhà văn Kim Lân. Nhà văn này đã từng nói, viết được thì viết, không viết được thì thôi. Những cái cố gượng viết đều khô khan, đọc lại thấy xấu hổ lắm. Đó là một quan niệm vô cùng nghiêm túc của ông đối với nghề viết.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cho rằng, đối tượng, hay có thể gọi là đề tài để nhà văn Kim Lân dành cả đời mình để khám phá sáng tạo đó là cuộc sống của những người thôn quê nghèo khổ với nếp sống thanh bạch và nhân nghĩa như là tinh chất được tích tụ và truyền lại từ nghìn đời. Nhà văn Kim Lân là bậc thầy về sự am hiểu tinh tường và gốc rễ về cuộc sống của những người nông dân.

Trong văn của Kim Lân, cái đặc sắc nhất, xúc động nhất là hồn cốt của tình người chứ không phải là những kịch tính hay xung đột dữ dằn. Vì vậy, nhà văn Kim Lân được các đồng nghiệp kính trọng và nể phục ở tính chuyên nghiệp rất cao với sự thuần thục về cấu trúc và ngôn ngữ truyện ngắn.

“Nhà văn Kim Lân đã cống hiến trọn đời cho nền văn học mới, nêu một tấm gương cao đẹp về lòng yêu mến, gắn bó mật thiết với cách mạng và kháng chiến, kiên định, vững vàng về bản lĩnh nhà văn để lại cho hậu thế những tác phẩm đặc sắc, có sức sống lâu dài, làm giàu thêm văn chương Việt, tâm hồn Việt” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.

Hoàng Minh