Những phụ nữ làm đẹp cho người chết
"Ngồi cùng bàn tiệc mà không biết. Buồn nôn quá!" - đọc dòng chữ của một người quen đăng trên mạng xã hội, kèm đoạn clip về mình, chị Loan mất ngủ cả đêm.
"Khi xác định theo nghề trang điểm cho người đã khuất, biết mọi người khó thông cảm, nhưng tôi vẫn không thể tưởng tượng được phải đối mặt với nhiều thách thức vậy", chị Đinh Thị Phương Loan, 32 tuổi, quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ tâm sự.
Trước khi đến với công việc nhu cầu ngày càng cao nhưng hiếm người làm này, chị Loan là một chuyên viên trang điểm cô dâu, chủ shop thời trang ở Hà Nội. Cuối năm 2019, trong một lần ngồi cùng bàn trà với người bạn sau tang lễ chị gái người này, chị Loan nghe bạn trăn trở: "Trông chị ấy nhợt nhạt quá. Giá có ai có thể trang điểm cho chị thật xinh đẹp trong ngày cuối cùng ở cõi người thì tốt biết mấy".
Phương Loan biết bạn nói đúng. "Từ hôm đó, trong đầu tôi văng vẳng câu nói của bạn", chị nhớ lại. Ý định chuyển sang nghề làm đẹp cho người vừa mất xuất hiện trong đầu chị.
"Con định đi làm trang điểm cho người đã khuất mẹ ạ", chị Loan nói với mẹ trong một lần về quê. "Con là con gái, không làm đâu nhé!", mẹ chị nghiêm mặt, gằn giọng. Người phụ nữ 32 tuổi im lặng, nhưng lập sẵn kế hoạch trong đầu.
Về Hà Nội, bà mẹ một con bắt đầu thuê người nằm làm mẫu để luyện cách trang điểm. Sau đó, chị kết nối với các nhà tang lễ nhờ giới thiệu gia đình có nhu cầu.
"Hiện tại, nhu cầu trang điểm cho người thân đã qua đời hầu như gia đình nào cũng có. Ở nước ngoài, công việc này còn được xem là một nghề bình thường, có đào tạo ở trường đại học, cấp bằng hẳn hoi", ông Trần Tuấn Anh, tổng giám đốc công ty Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên cho biết. Vì vậy, khi chị Loan mở lời, ông Tuấn đồng ý ngay.
Đầu năm 2020, gia đình một nam giới hơn 60 tuổi qua đời vì bệnh hiểm nghèo tìm đến Đinh Thị Phương Loan. Mặc bộ đồ vest đen, mang theo hộp đồ nghề trang điểm, chị chạy xe đến nhà "khách hàng" theo giờ hẹn. Dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng không khí lặng lẽ của tang quyến vẫn khiến lòng chị trùng xuống. "Trước đây, đến các đám cưới là tiếng nhạc, tiếng nói cười vui vẻ. Còn ở đây, chỉ có tiếng kinh cầu, vẻ mặt u sầu và những tiếng thở dài", chị kể.
Nữ chuyên viên trang điểm chắp tay khấn người nằm đó: "Con xin phép được làm đẹp cho chú ạ". Sau đó, chị đeo găng tay, khẩu trang và bắt đầu làm việc.
Vợ và các con người đã khuất ngồi cạnh chị suốt ca làm việc. Năm buổi thực hành giúp Phương Loan nhận ra khi làm đẹp cho người đã khuất, nếu không lưu tâm sẽ rất dễ phạm phải những động tác húy, kị.
"Không được đi vòng qua đầu. Không thể yêu cầu họ hất hàm, cúi đầu như người sống nên phải lựa cách vén mặt thật nhẹ nhàng. Đồ trang điểm phải gọn gàng, không bày ra giường", chị Loan kể một phần những nguyên tắc cơ bản trong công việc của mình.
Một số gia đình kiêng cạo râu, cắt tóc, nên chị phải hỏi ý kiến họ trước khi làm. Quy trình làm đẹp cho một khuôn mặt đều giống nhau. Tuy nhiên, với người đã trút hơi thở cuối cùng, da mặt tái và độ đàn hồi kém hơn, nên chị Loan phải sử dụng các loại kem lót, kem dưỡng phù hợp.
Sau gần một giờ làm việc, nhìn khuôn mặt người đã khuất hồng hào, tươi sáng, mái tóc được vuốt keo cẩn thận, chị lùi lại, kính cẩn cúi đầu, rồi thu dọn đồ nghề. Bà góa phụ ngồi lặng lẽ nãy giờ đứng dậy, nở nụ cười hiếm hoi với chị Loan: "Nhìn ông ấy cứ như đang ngủ say. Cảm ơn cô".
Sau lần đầu tiên, chị biết mình đã làm lựa chọn và làm đúng. "Tôi thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhõm vô cùng", người phụ nữ kể.
Nhưng không phải ca làm việc nào cũng có kết thúc nhẹ nhàng như thế. Trong hơn 200 ca từng nhận, nhiều "khách hàng" qua đời khi còn rất trẻ. Có những cô gái mới bước qua tuổi 15, có những ông bố, bà mẹ qua đời khi con lẫm chẫm tập đi. Gia cảnh và những cảnh đời éo le khiến chị buồn bã "lây theo" đến mấy ngày sau.
Cuối tháng 10 vừa qua, nhiều kênh truyền thông xin được giới thiệu về công việc của chị. Trước khi chương trình phát sóng, Loan đấu tranh mấy ngày liền mới dám gọi về nhà "khai hết" sự thật với bố mẹ: "Con không muốn chuyện trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường".
Mẹ chị nghe xong chỉ im lặng rồi cúp máy. Nhưng đi đám cỗ họ hàng, thấy mọi người khen con dũng cảm, làm công việc ý nghĩa, cơ mặt bà giãn ra. Vài tuần sau, khi con gái về quê thăm, người mẹ không nhắc đến công việc của chị, nhưng thổi xôi, luộc gà cho con đi lễ. "Tôi biết mẹ đã ngầm đồng ý", chị cười, nói.
Phương Loan nhận được nhiều động viên, ủng hộ của người xem chương trình về mình, nhưng cũng không ít lời đàm tiếu. Một người quen, ngồi cùng bàn tiệc với chị còn lên mạng xã hội dẫn link đoạn video, bày tỏ sự kỳ thị công việc của chị: "Cứ mỗi lần nghĩ lại việc mình đã ngồi cạnh chị ta hôm qua thì không thể nuốt nổi cơm", người này bình luận thêm.
Cả đêm đó, chị Loan trằn trọc đến mất ngủ vì buồn và giận. "Tôi có làm gì xấu xa, tội lỗi đâu", chị nói, rơm rớm nước mắt.
Tiếp xúc với người chết nhiều nên thi thoảng chị Loan bị bạn bè "tránh". Có lần, chị nghỉ làm một ngày, đến viện thăm bạn trước lúc sinh con vì biết phụ nữ sinh xong sẽ phải kiêng. Chạy xe đến gần đến cổng, bạn gọi chị bảo: "Mày về đi, bệnh viện không cho vào đâu".
Thông cảm với bạn, nhưng chị vẫn thấy chạnh lòng. Rút kinh nghiệm, những dịp sau, ai sinh con hay ốm đau, chị Loan chỉ gọi điện hỏi thăm và gửi quà.
Nhóm của Phương Loan có năm thành viên, trong đó ba người đã có gia đình. "Chồng và gia đình chồng biết công việc của các bạn ấy, nhưng họ hàng, bạn bè thì phải giữ kín", chị trưởng nhóm kể. Cuộc hẹn với phóng viên VnExpress ở quán cà phê với khách chỉ chị Loan và cô gái chưa có gia đình xuất hiện.
Tuy nhiên, cô cũng xin giấu tên vì "bố mẹ vẫn chưa biết chuyện". Muốn thách thức bản thân và có thêm thu nhập, cô quyết định học nghề, bất chấp "nhiều khả năng không ai dám yêu".
Việc tuyển nhân viên vào nhóm với chị Loan cũng không dễ dàng. Ngoài việc có bản lĩnh, chăm chỉ và chín chắn, đồng nghiệp của chị và người nhà họ phải chấp nhận đối mặt với dư luận và những người "ác khẩu". Gần đây, một thành viên trong nhóm khá thạo nghề đã quyết định nghỉ việc chỉ vì chồng cô gái đó không biết trả lời sao khi người quen hỏi: "vợ anh làm gì?".
"Là phụ nữ, lại trẻ tuổi, phải có duyên mới làm được công việc đặc thù nhưng rất nhân văn này. Thực tế, nhìn vẻ mặt tươi tỉnh, hồng hào của người quá cố, thân nhân bớt đau buồn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ngoài kia, có người còn ngại không muốn bắt tay Loan vì kỳ thị. Tôi mong xã hội sẽ có cái nhìn cảm thông và thiện cảm hơn với công việc của các cô gái này", ông Trần Tuấn Anh nói.
Chị Phương Loan định hướng khi Covid-19 lắng xuống sẽ ra nước ngoài học thêm cách trang điểm cho người chết nhưng cơ thể không nguyên vẹn. "Tôi mong muốn ngày cuối cùng trên đời, ai cũng có khuôn mặt rạng rỡ, đẹp đẽ nhất có thể", chị nói.