Trăn trở việc dân, việc nước
Nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt là người đã từng kinh qua nhiều chức vụ, trưởng thành từ thực tiễn và giàu kinh nghiệm lãnh đạo. Nghỉ hưu đã nhiều năm, nhưng việc dân việc nước vẫn là mối quan tâm đặc biệt hàng ngày của ông - người từng giữ trọng trách cao trong Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Lần nào, khi bắt đầu câu chuyện ông cũng nói rằng, ông không “cậy” nghỉ hưu để phán xét “anh em đương chức”.
Mặt trận giúp Đảng đoàn kết nhân dân và giúp dân bảo vệ Đảng
Trong những năm qua, chúng tôi đã nhiều lần được ông nhận lời trả lời phỏng vấn. Thân mật, chân tình ông Phạm Thế Duyệt luôn dành sự ưu ái cho phóng viên “báo nhà”. Ông kể mỗi ngày tập thể dục vẫn vẩy tay đủ 2000 cái, những năm trước thì vẫn đi bộ đủ mấy vòng Hồ Gươm. “Cuộc đời của một ông già nghỉ hưu thế là thanh thản và lành mạnh”- ông cười hóm hỉnh.
Nói về công tác Mặt trận, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt luôn trăn trở với một chiêm nghiệm sâu sắc: “Mặt trận giúp Đảng đoàn kết nhân dân và giúp dân bảo vệ Đảng”. Theo ông, Mặt trận nói để nhân dân hiểu sự đúng đắn trong đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước. Mặt khác phải thể hiện vai trò đại diện cho nhân dân, bày tỏ chính kiến với Đảng và Nhà nước những điều mà nhân dân có yêu cầu chính đáng, nguyện vọng chính đáng, tâm tư, suy nghĩ chính đáng, kiến nghị chính đáng. Nói gọn lại theo ông Phạm Thế Duyệt thì Mặt trận thực hiện giám sát - phản biện là để thể hiện vai trò đó.
Có lẽ, phải bằng cả một cuộc đời làm việc, nhiều năm giữ trọng trách cao trong Đảng, nhuần nhuyễn khi làm công việc Mặt trận - Dân vận, ông Phạm Thế Duyệt mới có thể đưa ra những ý kiến sâu sắc về lòng dân, về công tác Mặt trận: “Đảng có tồn tại hay không là do nhân dân có tin hay không, có bảo vệ hay không. Kinh nghiệm cho thấy rõ lòng dân là quan trọng nhất. Đảng tổ chức ra Mặt trận chính là để thực hiện vai trò tập hợp đoàn kết nhân dân, thực hiện các đường lối chính sách của Đảng và hiểu được các chủ trương đúng đắn của Đảng. Đảng thông qua Mặt trận để không xa rời quần chúng.
Nói xong câu này ông nói với chúng tôi rằng trong cuộc đời làm cán bộ của ông, từ khi làm giám đốc mỏ than đến khi làm công tác Công đoàn, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, làm công tác dân vận, công tác Đảng, nhất là khi làm công tác Mặt trận, ông càng thấm thía điều ấy. “Cầu nối giữa Đảng với Dân, Dân với Đảng đó chính là việc của Mặt trận. Bao nhiêu việc khó khăn nếu không phát huy được dân chủ, không làm cho dân hiểu và không làm cho dân có trách nhiệm thì rất khó giải quyết được những việc ấy hiệu quả” - nguyên Chủ tịch Phạm Thế Duyệt bày tỏ.
Nói Mặt trận giúp cho Đảng, theo ông Phạm Thế Duyệt, là nhìn ở hiệu quả chứ không phải là hình thức. Bởi vì Mặt trận giúp cho Đảng cũng chính là Mặt trận giúp dân giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân.
Bám vào khu dân cư để đoàn kết nhân dân
Làm sao Mặt trận đoàn kết được nhân dân giúp cho Đảng thì chỉ bám vào khu dân cư - ông Phạm Thế Duyệt khẳng định: “Mặt trận đại diện cho nhân dân thì phải coi khu dân cư là quan trọng, coi vấn đề đoàn kết dân tộc, tôn giáo là quan trọng”.
Nói về công tác Mặt trận ở các cấp, ông Phạm Thế Duyệt trăn trở: “Tôi đi đến đâu gặp anh em làm công tác Mặt trận cũng thấy tâm huyết, nhưng các cấp ủy cũng phải tạo thế, tạo cơ chế để Mặt trận hoạt động. Vận động nhân dân đoàn kết, xóa đói giảm nghèo là việc Mặt trận đã làm rất tốt, nhưng nếu còn chưa góp phần vào xây dựng chính quyền mạnh, xây dựng tổ chức Đảng mạnh, chọn và bố trí cán bộ xứng đáng vào các cấp các ngành trong hệ thống chính trị thì Mặt trận chưa làm được hết vai trò và trách nhiệm của mình”.
Bám vào khu dân cư, theo ông Duyệt là phải để nhân dân phấn khởi, nhân dân vui vẻ, nhân dân không còn mặc cảm và nghi kỵ lẫn nhau, phát huy được tính cộng đồng, tình làng nghĩa xóm thì mới có đại đoàn kết thực sự. Đoàn kết là bà con cùng một tôn giáo, một dân tộc đoàn kết, đồng thời đoàn kết giữa các tôn giáo, các dân tộc. Mặt trận là phải hiểu được tâm tư các linh mục, các hòa thượng, cùng là Phật giáo lại phải hiểu tâm tư Nam tông, Bắc tông... Mặt trận là nơi giúp Đảng thực hiện đường lối dân chủ, lắng nghe được ý kiến đúng đắn của người dân.
Hình ảnh Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm thành lập Mặt trận với hơn một chục vạn khu dân cư cùng náo nức tưng bừng chính là hình ảnh tiêu biểu của đoàn kết toàn dân.
Không đứng ngoài phán xét
Chia sẻ về những “chỗ khó” của Mặt trận, rằng nhiều cán bộ Mặt trận ở cơ sở tâm sự đôi khi cũng lực bất tòng tâm, ông Phạm Thế Duyệt nói: “Tôi nói không phải để phán xét anh em. Mặt trận còn có hạn chế thì chính tôi là người có trách nhiệm trong việc đó. Mặt trận mà chưa làm tốt được là có trách nhiệm của tôi. Nhưng tôi nghĩ phải có hai vế, không thể chỉ từ phía Mặt trận mà Đảng cũng phải cố gắng tạo điều kiện để Mặt trận được phát huy vai trò của mình là đại diện cho nhân dân”.
Và không ít lần ông đắn đo: “Tôi bây giờ nghỉ hưu hàng chục năm nay rồi nên nói việc gì Mặt trận nên làm thì lại dễ khiến mọi người hiểu nhầm. Nhưng theo tôi việc gì mà nhân dân mong, việc gì mà Đảng thấy cần phải làm thì Mặt trận phải coi đó là nhiệm vụ quan trọng. Một trong những việc quan trọng Mặt trận phải góp phần vào là xây dựng chỉnh đốn Đảng. Tôi lúc nào cũng mong muốn Mặt trận giúp cho Đảng giải quyết được những khó khăn của Đảng, giúp cho dân giải quyết được những mong muốn của nhân dân.”
Cho rằng có chỗ nào còn chưa làm được hiện nay thì có cả phần trách nhiệm của mình, ông Phạm Thế Duyệt nói không bao giờ đổ lỗi cho “anh em đương chức” mà luôn tự nhận có cả phần khuyết điểm của mình trong đó. “Tôi nói nhiều anh em lại hiểu nhầm là ông Duyệt bây giờ nghỉ hưu thì cứ “phán bừa” đi. Tôi nói điều gì là tôi cũng nói với tinh thần trách nhiệm của một người trong cuộc, một người tự nhận thấy mình có trách nhiệm trong những công việc này. Lúc còn làm việc tôi cũng có phần khuyết điểm.”
“Dân còn cái gì khó khăn thì chính đó là khuyết điểm của mình. Dân còn có điều gì than thở là mình chưa làm được. Dân còn cảm thấy thiếu công bằng, thiếu dân chủ là lỗi ở mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Có phải đâu chỉ tham nhũng mới là khuyết điểm. Làm lãnh đạo thì phải nghĩ đến những điều sâu xa. Những gì còn tồn tại hiện nay khiến nhân dân chưa vui thì chúng tôi có trách nhiệm trước chứ không phải là người ngoài cuộc” - ông Phạm Thế Duyệt đã không ít lần tự vấn.
Nguyên Chủ tịch Phạm Thế Duyệt đã có những năm tháng hoạt động Mặt trận đầy tâm huyết. Ông để lại nhiều dấu ấn đậm nét ở thời kỳ này như khởi xướng Cuộc vận động Ngày Vì người nghèo, xây dựng Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư. Khi được hỏi, ông nói rằng dù nhiều người nói về ông thường nhắc tới Cuộc Vận động Ngày Vì người nghèo nhưng cá nhân ông thì thấy kỳ công lớn nhất của mình là đưa ngày 18-11 trở thành Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư. Để làm được việc này ông đã đi xuống từng bản làng trong khắp cả nước để vận động nhân dân và đến bây giờ hoạt động này đã trở thành một hoạt động văn hóa hàng năm đầy ắp tình làng nghĩa xóm, củng cố tinh thần đoàn kết của nhân dân.
Nguyên Chủ tịch Phạm Thế Duyệt đã có những năm tháng hoạt động Mặt trận đầy tâm huyết. Ông để lại nhiều dấu ấn đậm nét ở thời kỳ này như khởi xướng Cuộc vận động Ngày Vì người nghèo, xây dựng Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư. Khi được hỏi, ông nói rằng dù nhiều người nói về ông thường nhắc tới Cuộc Vận động Ngày Vì người nghèo nhưng cá nhân ông thì thấy kỳ công lớn nhất của mình là đưa ngày 18-11 trở thành Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư. Để làm được việc này ông đã đi xuống từng bản làng trong khắp cả nước để vận động nhân dân và đến bây giờ hoạt động này đã trở thành một hoạt động văn hóa hàng năm đầy ắp tình làng nghĩa xóm, củng cố tinh thần đoàn kết của nhân dân.