Cố Chủ tịch Lê Quang Đạo với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Phải nói rằng sau 28 năm tham gia quân đội, kể từ Chiến dịch Biên giới, thì thời gian anh Đạo công tác lâu nhất là ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 17 năm.
Sau Đại hội Đảng khóa VI (1986), anh Đạo được phân công làm Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giữa năm 1987, anh được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa VIII nhưng vẫn giữ chức Bí thư Đảng đoàn Mặt trận liên tục trong nhiều năm. Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ tư, anh Đạo được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong thời gian công tác, anh đã dành tất cả trí tuệ, công sức và tâm huyết của mình cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Anh luôn tâm niệm: Mặt trận là chiếc cầu nối giữa Đảng với dân.
Anh Đạo nhiều lần trăn trở: Làm sao để ý kiến của dân có thể lên tận Trung ương, Bộ Chính trị. Người dân bình thường khó phát biểu được với Quốc hội. Nơi họ dễ nói nhất, gần họ nhất là Mặt trận Tổ quốc. Bằng cách nào đây để chính sách đề ra phù hợp với nguyện vọng của dân?
Công cuộc đổi mới kinh tế sẽ không thành công nếu thiếu sự tham gia, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Bằng cách nào đây để các ý kiến của Mặt trận Tổ quốc được các cơ quan chức năng lắng nghe và thực hiện? Khóa họp cuối cùng của Quốc hội khóa X rất căng thẳng khi bàn đến Luật Mặt trận. Theo đề nghị của anh Đạo, phải cụ thể hóa quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức. Để thực hiện được việc ấy, anh đã làm việc tận tụy để Luật Mặt trận được thông qua.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nói: “Có thể nói bác Đạo đã vắt từng giọt máu trong trái tim cháy bỏng của mình cho Luật Mặt trận Tổ quốc vì bác ý thức rằng Mặt trận Tổ quốc là nơi tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân theo lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đất nước ta luôn bị chiến tranh xâm lược, nhờ sự đoàn kết keo sơn của 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam mới thắng nổi kẻ thù lớn hơn ta gấp bội phần. Ngày nay, đất nước đã độc lập, nhưng sự nghiệp đoàn kết toàn dân vẫn rất quan trọng. Vì vậy, mong muốn Luật Mặt trận Tổ quốc được ban hành sớm là tâm huyết của bác Lê Quang Đạo”.
Tháng 4/1999, trong một lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, anh Đạo nói: “... Mặt trận luôn mong muốn được nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, và Mặt trận tập hợp đầy đủ những ý kiến mà mình nghe được để phản ánh với Đảng và Nhà nước để Đảng cân nhắc, xem xét và tiếp thu những ý kiến này. Trong các ý kiến của các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, có những ý kiến thống nhất được đa số tán thành, nhưng cũng có những ý kiến còn khác nhau. Đó là điều bình thường. Có những ý kiến có khi trước mắt chưa được chấp nhận nhưng trong tương lai nó trở thành đúng đắn thì sẽ lại được chấp nhận”.
Hai tháng trước khi mất, trong cuộc họp Quốc hội anh Đạo phát biểu: “... Theo đường lối, quan điểm của Đảng ta, chúng ta phải phát huy vai trò làm chủ của nhân dân chủ yếu bằng Nhà nước qua các tổ chức đại diện quyền lực của nhân dân tức là qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và qua các tổ chức quyền lực khác của Nhà nước vì Nhà nước ta là của dân, do dân, vì dân.
Đồng thời việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân bằng các tổ chức chính trị xã hội của mình, qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân là rất quan trọng. Lại không thể thiếu được việc phát huy vai trò làm chủ trực tiếp của nhân dân, nhất là cơ sở như chỉ thị của Đảng và quy định của Nhà nước.
Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước. Góp phần xây dựng và bảo vệ Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho nhân dân”.
Trong cuộc sống đời thường, anh Đạo dù bận nhiều công việc, dù gặp lúc sức khỏe không được tốt, vẫn luôn ân cần, niềm nở mỗi khi có cơ sở cách mạng đến thăm và anh luôn dành nhiều thì giờ để nói chuyện. Anh nói:
- Bà con muốn gặp mình. Tuy có thể mình không giải quyết được những điều bà con mong muốn, nhưng phải chăm chú lắng nghe thì mới giải tỏa được một phần bức xúc của dân. Trong thời kỳ hoạt động bí mật, nếu không có dân nuôi, dân che chở thì làm gì còn sống mà hoạt động đến bây giờ.
Đại tá Nguyễn Kim Khôi, 17 năm làm thư ký riêng cho anh Lê Quang Đạo đã nói trong cuộc hội thảo kỷ niệm 90 năm ngày sinh của anh: “Mấy năm hoạt động ở Hà Nội trước tổng khởi nghĩa và hoạt động địch hậu nội thành hồi đầu kháng chiến chống Pháp đã tạo cho anh Lê Quang Đạo một tác phong bám đất bám dân. Có dân là có tất cả”.
Làm xong Luật Mặt trận thì anh Đạo trở bệnh. Sau hai ngày nằm ở phòng cấp cứu, sang phòng bên cạnh, anh đã thoát được đe doạ phù phổi cấp nhưng tim anh còn yếu, huyết áp vẫn thấp. Nhưng anh vẫn tiếp tục làm việc để chuẩn bị tổ chức Đại hội Mặt trận lần thứ V. Các anh ở cơ quan Mặt trận thường xuyên vào làm việc. Trong 23 ngày đêm, tôi có cảm tưởng anh vào viện để làm việc hơn là chữa bệnh. Hàng ngày anh đọc theo dõi tin tức trên báo Nhân dân, Lao động, Đại Đoàn kết. Anh rất vui khi biết tin các cháu thi Toán, Lý quốc tế đều được huy chương vàng, bạc.
Anh vui vẻ khi mọi người đến thăm. Không ai nghĩ anh vừa thoát cơn nhồi máu cơ tim. Thấy anh mải đọc tài liệu chính trị, tôi khuyên anh nghe thêm ca nhạc. Anh thích câu khen nhạc Văn Cao sang trọng, trang nhã của Trịnh Công Sơn. Anh bảo tôi đưa băng ghi âm nhạc Văn Cao vào bệnh viện. Nghe mấy bài quan họ, anh tâm sự:
- Thời kì làm báo Cứu quốc bí mật năm 1942, đêm trăng ngồi họp ở nhà dân, nghe bài hát quan họ Tiễn bạn sao mình nhớ quê Đình Bảng đến thế.
Trên bàn viết đầu giường anh có cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh của anh Võ Nguyên Giáp vừa tặng. Anh say mê cuốn sách này. Anh nói với các đoàn đại biểu Mặt trận các tỉnh và bạn bè vào thăm:
- Cuốn này anh Giáp viết có nhiều sáng tạo. Nếu đưa được nội dung lòng yêu nước và tư tưởng Đại đoàn kết của Bác Hồ vào báo cáo lần này thì mới có ý nghĩa.
Bên cạnh giường anh là một chiếc bàn nhỏ. Sau cấp cứu mấy ngày, anh ngồi ngay vào bàn đọc sách và cặm cụi viết. Tưởng như anh đã dời phòng làm việc của mình vào viện.
Ba ngày sau khi anh Đạo mất, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ V khai mạc. Theo kế hoạch cũ, anh Đạo sẽ là người chủ trì Đại hội.
Trong ngày Đại hội khai mạc, ở nhà, tôi cảm thấy bồn chồn sốt ruột lạ. Tôi thắp hương khấn anh. Bát hương chưa đầy mà tự nhiên chân hương bốc cháy. Chân hương cháy rất nhanh, khói bốc lên mịt mù. Đúng lúc ấy có tiếng chuông điện thoại. Anh Nguyễn Tiến Võ ở Mặt trận thông báo với tôi là cả Đại hội vừa mặc niệm cố Chủ tịch Lê Quang Đạo…
*Trong cuộc hội thảo khoa học do Học viện Chính trị hành chính kỷ niệm 90 năm ngày sinh của anh Đạo, Giáo sư, tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn đã nói trong lời dẫn: “Với 17 năm tham gia Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1982-1999), trong đó có 12 năm là Bí thư Đảng đoàn Mặt trận (1987-1999) và 5 năm là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1994-1999), đồng chí Lê Quang Đạo đã có nhiều đóng góp và sáng tạo trong xây dựng Mặt trận, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc”.
*Công cuộc đổi mới kinh tế sẽ không thành công nếu thiếu sự tham gia, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Bằng cách nào đây để các ý kiến của Mặt trận Tổ quốc được các cơ quan chức năng lắng nghe và thực hiện? Khóa họp cuối cùng của Quốc hội khóa X rất căng thẳng khi bàn đến Luật Mặt trận. Theo đề nghị của anh Đạo, phải cụ thể hóa quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức. Để thực hiện được việc ấy, anh đã làm việc tận tụy để Luật Mặt trận được thông qua.