Giám sát phải có trí tuệ và dũng khí

Thành Luân 18/11/2020 07:23

Từng trải qua cương vị là Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân đã có nhiều đóng góp quan trọng nhằm tiếp tục phát huy vai trò MTTQ Việt Nam trong tình hình mới.

Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Tiến Dũng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân được Bộ Chính trị giới thiệu hiệp thương làm Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sau thời gian nhiều năm làm Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo. Ngày 5/9/2013 là thời điểm đánh dấu khởi đầu những đóng góp của ông đối với công tác Mặt trận, khi được UBTƯ MTTQ Việt Nam hiệp thương làm Chủ tịch.

Nhìn lại quãng thời gian gần 4 năm làm Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, ngay khi được giao nhiệm vụ ông đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều, để từ đó cùng với tập thể cán bộ, nhân viên cơ quan Mặt trận triển khai xây dựng dự thảo quy chế giám sát, phản biện xã hội cho MTTQ Việt Nam. Trong đó, đến tháng 12/2013, Bộ Chính trị đã chính thức ký quy chế này. Kế đến, thực hiện Hiến pháp 2013, ông Nguyễn Thiện Nhân cùng tập thể UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đóng góp nhiều nội dung về vị trí, vai trò của Mặt trận, từ đó là cơ sở để ban hành Luật MTTQ 2015. Tại Luật này, Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Cũng từ các cơ sở pháp lý nêu trên, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, trong nhiều năm sau đó, MTTQ Việt Nam đã liên tiếp triển khai giám sát, phản biện xã hội và ký kết được một Nghị quyết liên tịch quan trọng giữa Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận về công tác giám sát, phản biện xã hội.

Tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 7 hiệp thương cho thôi chức Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam vào tháng 6/2017 do chuyển công tác khác, ông Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục dành lời nhắn nhủ với những người kế nhiệm, cùng nhiều tâm tư, trăn trở của mình: “Làm giám sát, phản biện xã hội phải có trí tuệ, dũng khí, dám đương đầu, Mặt trận cần tích cực hơn nữa”.

Tiếp tục mang theo nhiều trăn trở đối với công tác Mặt trận khi được phân công làm Bí thư Thành ủy TPHCM kể từ năm 2017 đến tháng 10/2020, ông Nguyễn Thiện Nhân đã giúp nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan MTTQ Việt Nam của thành phố lớn nhất nước.

Cho đến nay, nhiều vị cán bộ Mặt trận còn nhớ tại Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố năm 2015, ông Nguyễn Thiện Nhân lúc đó trên cương vị Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì thảo luận, cho ý kiến về việc đổi mới nhiều phong trào, cuộc vận động (CVĐ). Hội nghị này đã thống nhất với định hướng đổi mới CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thành “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Kể từ đây, CVĐ đã thổi một làn gió mới cho phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần rất đáng kể vào tăng trưởng GDP quốc gia hàng năm.

Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân luôn tâm niệm, trong tổ chức triển khai các CVĐ thì vai trò của các tổ chức thành viên là rất quan trọng trong việc vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ở đó, Mặt trận phải thể hiện vai trò vận động, chính quyền thể hiện vai trò hành động. Người vận động chính là Mặt trận và các tổ chức thành viên, để từ đó nhân dân có các hành động cụ thể.

Để khích lệ sự đổi mới, sáng tạo trong toàn xã hội, trong giai đoạn giữ cương vị người đứng đầu UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân đã nhiều lần chỉ đạo, định hướng việc cần phải hình thành phong trào thi đua sáng tạo trong toàn xã hội. Ngoài các phong trào trên, đối với những người làm báo, không ai có thể quên một trong những giải thưởng thu hút rất lớn sự quan tâm của xã hội, lãnh đạo Đảng và Nhà nước suốt nhiều năm qua. Đó là Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

Giải thưởng trên xuất phát từ tâm huyết cá nhân của nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân từ thực tiễn công tác báo chí trong nước cùng bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước đang bước vào giai đoạn mới. Kể từ khi giải được phát động lần đầu tiên, rất nhiều cơ quan truyền thông, báo chí trên cả nước đã tham gia tích cực, bằng nhiều đề tài, bài viết phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng tiêu cực, những hành vi tham nhũng, lãng phí.

Về giải thưởng này, ông Nguyễn Thiện Nhân từng bày tỏ xúc động khi chứng kiến nhiều tờ báo đã năng nổ vào cuộc tìm hiểu, phân tích các vụ việc gây bức xúc trong dư luận. Sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm ấy đã tạo không khí và quyết tâm tuyên chiến với tình trạng tiêu cực, nạn tham nhũng, lãng phí trong xã hội. Cũng nhờ đó, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam một lần nữa được khẳng định.

Bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Tinh thần đoàn kết được khơi dậy thông qua Mặt trận

Bà Bùi Thị Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, cho rằng vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong suốt chặng đường 90 năm, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong Cương lĩnh xây dựng đất nước và trong Luật MTTQ đều khẳng định rất rõ Mặt trận có một vị trí rất quan trọng trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, từ khi đất nước đổi mới cho đến nay, vai trò của Mặt trận thông qua chức năng, nhiệm vụ của mình đã tăng cường việc bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua phương hướng hoạt động, thông qua chương trình hành động để hướng dẫn nhân dân thực hiện quyền dân chủ một cách thiết thực. Ví dụ như việc hình thành nên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; thực hiện Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước…

Trong cả quá trình đó, MTTQ và các tổ chức thành viên luôn tổ chức các hoạt động khơi dậy lòng yêu nước cũng như tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân. Việc này được thể hiện rõ nhất mỗi khi đất nước gặp khó khăn thì tinh thần đoàn kết toàn dân tộc được khơi dậy mạnh mẽ thông qua Mặt trận. Và điều này cũng đã được chứng minh qua các thành tựu cách mạng của Mặt trận trong suốt 90 năm qua.

Bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Những viên gạch nhỏ xây dựng ngôi nhà chung

Theo bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, một trong những nội dung được MTTQ chăm lo đó là chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, mỗi khi đất nước xảy ra thiên tai, bão lũ, dịch bệnh thì tinh thần đó một lần nữa lại được khơi dậy, phát huy.
Từ những hành động nhỏ của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ Cứu trợ do MTTQ vận động, quyên góp giống như những viên gạch nhỏ để cùng nhau chăm lo cho những hoàn cảnh cần giúp đỡ để xây dựng ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để tiếp tục phát huy vai trò tập hợp khối đại đoàn kết, theo bà Hà Thị Liên, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, bám sát thực tiễn, tình hình biến đổi trong và ngoài nước; những yếu tố tác động đến đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, MTTQ các cấp cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức thành viên, đa dạng hóa các loại hình tập hợp để đông đảo các tầng lớp nhân dân được gắn bó với các tổ chức, đoàn thể của mình; tham gia thực hiện các nội dung, chương trình công tác của từng tổ chức...

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Tấm gương soi chiếu

Ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng, điều nhớ nhất trong những ngày tháng làm Mặt trận là khi ông được chọn làm thư ký cho Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt. Đó là vào một buổi chiều tháng 3/2002, ông Pha được cố Tổng Thư ký Trần Văn Đăng gọi lên phòng và thông báo ý kiến của Ban Thường trực về việc chọn làm thư ký cho Chủ tịch Phạm Thế Duyệt (khi ấy ông Nguyễn Văn Pha mới được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật chưa được một năm). Mặc dù ban đầu ông đã từ chối nhận nhiệm vụ với lý do mình chỉ được đào tạo về luật, không hình dung làm thư ký sẽ như thế nào và sợ không hoàn thành nhiệm vụ.

“Tổng Thư ký Trần Văn Đăng vốn là người rất sâu sắc và thương cấp dưới. Ông bảo tôi về suy nghĩ kỹ rồi ngày mai lên gặp ông. Sáng hôm sau tôi lên phòng ông và ra điều kiện: Cho tôi được thử làm thư ký một tháng; sau một tháng nếu tôi thấy làm được và Chủ tịch thấy dùng được thì tôi xin nhận nhiệm vụ này. Tổng Thư ký đồng ý và nói sẽ báo cáo Chủ tịch nguyện vọng của tôi” - ông Pha nhớ lại.

“Và thế là tôi trở thành thư ký của Chủ tịch. Tôi là một trong 6 thư ký của Chủ tịch Phạm Thế Duyệt và cũng có thời gian làm thư ký ngắn nhất (chưa đầy 7 tháng). Thời gian không nhiều nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được đức độ, năng lực, tầm nhìn của Chủ tịch Phạm Thế Duyệt và Tổng Thư ký Trần Văn Đăng. Tôi coi họ là những tấm gương mà mình có trách nhiệm phải noi theo trong sự nghiệp của mình”- ông Nguyễn Văn Pha nói.

Thành Luân