Trải lòng của nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng danh giá quốc tế
"Hạnh phúc và thành công chỉ mỉm cười với những ai kiên trì và hăng say lao động", GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Ngày 08/10/2020, Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ công bố danh sách 100,000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới có ảnh hưởng lớn nhất năm 2020.
Trong công bố của năm nay, đã có 22 nhà khoa học người Việt đang công tác tại Việt Nam lọt top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2019.
Theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, đứng đầu trong các nhà khoa học Việt Nam là GS Nguyễn Đình Đức (ĐHQGHN) – xếp hạng 5798 thế giới. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội.
Xin GS cho biết quy trình đánh giá xếp hạng bình chọn danh sách các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới?
GS Nguyễn Đình Đức: Xếp hạng bình chọn chỉ số ảnh hưởng của các nhà khoa học trên thế giới được công bố trên Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ. Tác giả của công bố này là nhóm Metrics của Jeroen Baas và các cộng sự.
Theo đó, nhóm tác giả đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ 1960 đến 2019 trong 7 triệu nhà khoa học và lọc ra top 100.000 người có ảnh hưởng nhất từ nguồn dữ liệu của Scopus và xếp hạng của họ dựa vào sáu chỉ số về trích dẫn: tổng số trích dẫn; chỉ số Hirsch h-index;
Chỉ số Schreiber hm-index; số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất (single author); số trích dẫn cho các bài báo là tác giả duy nhất hoặc tác giả đầu tiên (first author) và số trích dẫn cho các bài báo là tác giả duy nhất, đầu tiên hoặc cuối cùng (last author).
Đây là những số đo đánh giá rất khách quan và thực chất, về chất lượng cũng như ảnh hưởng của các kết quả nghiên cứu của nhà khoa học với cộng đồng khoa học quốc tế.
GS có bất ngờ không khi mình đứng đầu danh sách 22 nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng?
- Tôi rất bất ngờ và cũng rất tự hào, phấn khởi, vinh dự là người con của đất nước Việt Nam khi được đứng trong bảng xếp hạng cao so với các đồng nghiệp quốc tế. Sự đánh giá này làm cho tôi như thấy được động viên, khích lệ. Đây cũng là thành quả của rất nhiều năm kiên trì, nỗ lực làm việc miệt mài của tôi và nhóm nghiên cứu và đã được đền đáp bằng sự rút ngắn khoảng cách với các nhà khoa học trên thế giới. Đúng là hạnh phúc và thành công chỉ mỉm cười với những ai kiên trì và hăng say lao động.
Ông nhìn nhận thế nào về phong độ của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở tầm cao và ông kỳ vọng gì ở thế hệ những nhà khoa học trẻ?
- Nếu so sánh với bảng xếp hạng của năm ngoái, chỉ có 10 nhà khoa học ở Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng, thì xếp hạng năm nay đã có 22 người. Có thế thấy sự trưởng thành và ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng của các nhà khoa học Việt Nam.
Với cá nhân tôi, năm ngoái (2019) lọt vào top 100.000 các nhà khoa học có ảnh hưởng hàng đầu thế giới (51.083). Năm nay đã được thăng hạng vượt bậc, lên top 10.000 (5.798) – tôi rất bất ngờ. Điều tôi vui nhất là thành công đó động viên và khích lệ rất lớn đội ngũ cán bộ khoa học trẻ trong nước nói chung và đặc biệt là các em trong nhóm nghiên cứu của tôi.
Nếu có sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ nhà nước và các các cơ sở giáo dục đại học, các nhà khoa học Việt Nam có thể thành công và bứt phá nhanh hơn nữa.
Trân trọng cảm ơn GS!
Năm 2019, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức- Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội lọt vào top 100.000 các nhà khoa học có ảnh hưởng hàng đầu thế giới (51.083) theo bảng xếp hạng của Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ. Năm nay GS Nguyễn Đình Đức đã được thăng hạng vượt bậc, lên top 10.000 (5.798).
Điểm khác biệt lớn nhất năm nay có 2 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc cơ hữu trong nước đã vinh dự lọt vào bảng xếp hạng 100.000 nhà khoa học được xếp hạng ảnh hưởng thế giới ở hạng mục "Thành tựu trọn đời". Đó là GS Nguyễn Xuân Hùng (ĐH Công nghệ Tp. HCM) và GS Nguyễn Đình Đức (ĐHQGHN).
Năm 2019, không có nhà khoa học Việt Nam nào trong nước lọt vào hạng mục này.