Cả đời lo...việc làng
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, tôi nhớ đến một người trong số rất nhiều cán bộ Mặt trận ở cơ sở tôi đã gặp, đã quý mến. Ông là Ngô Xuân Trường, người cho đến khi nghỉ công tác (mới đây), đã có 30 năm liên tục làm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 5 - Thành An (xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).
Tôi gặp ông lần đầu cách đây đã 10 năm, khi phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) bắt đầu được triển khai, sau này còn nhiều lần gặp lại. Khi ấy, lần đầu về làng Thành An, tôi ngỡ ngàng về sự sạch đẹp, quy củ của làng. Cổng làng nằm sát tỉnh lộ 490 (đường 55 cũ, chạy song song với sông Ninh Cơ, cách cửa Ninh Cơ không xa) khá to và đẹp.
Cạnh đó, Nhà văn hoá của làng cũng to, đẹp không kém. Đoạn sông chạy qua trước làng hai bên bờ cũng mới được kè đá rất chắc chắn, sạch sẽ không một cọng rác. Các điểm thờ tự như chùa chiền, nhà thờ công giáo đều được xây sửa khang trang, bề thế.
Trong làng có năm con đường, gồm bốn đường dọc, một đường ngang đều đã được trải bê tông láng bóng. Khi đó, tôi tự hỏi, xóm làng sạch đẹp, quy củ thế này, ngoài công sức của người dân, cán bộ cơ sở ở đây hẳn phải nhiệt tình, trách nhiệm lắm?
Quả nhiên, khi gặp ông Ngô Xuân Trường, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban CTMT khu dân cư số 5 - Thành An, ngay lần đầu tôi đã cảm nhận phong thái rất Mặt trận. Hiền lành, chất phác, rành rẽ chuyện làng, chuyện xóm. Hỏi ra mới biết, năm 1969, hưởng ứng tổng động viên, ông nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Phục vụ trong quân đội đến năm 1989 ông mới xuất ngũ. Trở về quê, như bao cựu binh khác, ông Trường cũng phải đối diện với chuyện “cơm áo, gạo tiền”, phải lo làm kinh tế. Nhưng là đảng viên, cựu sỹ quan, nhiệt tình, năng nổ, được tổ chức, cộng đồng ở địa phương tín nhiệm, ngay từ khi đó ông đã đảm đương cương vị Bí thư chi bộ, Trưởng Ban CTMT khu dân cư số 5, kéo dài liên tục cho đến gần đây, tính ra là 30 năm. Quá trình công tác, ông đã nhiều lần được các cấp khen thưởng, cao nhất là được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của UBTƯ MTTQ Việt Nam...
Ông kể, khi bắt tay xây dựng NTM, ban đầu cán bộ, dân làng cứ nghĩ đây là một dự án đầu tư của nhà nước, người dân chỉ việc thụ hưởng. Nhưng tìm hiểu mới “vỡ” ra xây dựng NTM là người dân phải chủ động, trực tiếp đóng góp công sức, trí tuệ thực hiện, nhà nước chỉ định hướng, hỗ trợ. Thế là họp bàn, bàn trong chi bộ, trong các đoàn thể, bàn trong dân.
“Các bác là cán bộ, đảng viên, được họp hành, quán triệt nên dễ thông suốt. Nhưng còn người dân, làm thế nào để bà con cùng hiểu được mục đích, ý nghĩa, phương châm, quyền lợi, trách nhiệm để chung sức thực hiện?” - Tôi hỏi ông. “Thì phải họp, bàn với dân! Bàn, tuyên truyền, giải thích đến khi nào mọi người, mọi nhà đều thông suốt, đồng thuận mới thực hiện. Bà con không hiểu, không thông, không đồng thuận, cán bộ, đảng viên chúng tôi có nhiệt tình, tâm huyết đến mấy cũng chịu!” - ông trả lời.
Ông Trường nhớ lại, trong những buổi họp dân, hầu hết các chủ trương, kế hoạch chi bộ, ban hương ước làng nêu ra mọi người đều nhanh chóng tán đồng. Duy có việc đề nghị những hộ ven đường trả lại phần đất trước đây đã cơi nới để mở rộng đường làng, khôi phục lại mương tiêu nước thì có một số ý kiến không thông.
Chẳng là trước đó, khi cấp “sổ đỏ” chính quyền đã hợp thức hóa cho bà con phần diện tích đã cơi nới. Thời buổi “tấc đất tấc vàng”, bà con do dự cũng là điều dễ hiểu. Vậy nhưng, khi được chi bộ, thôn xóm, Ban CTMT, Ban Hương ước làng tuyên truyền, giải thích ai cũng nhận ra vì lợi ích chung, lâu dài, mỗi gia đình cần hy sinh một chút quyền lợi riêng. Vả lại ai cũng muốn có con đường rộng rãi để việc đi lại, vận chuyển, phơi phóng được thuận tiện. Cuối cùng bà con trong làng, cả lương lẫn giáo cùng thông suốt, giơ tay biểu quyết.
Thực hiện “nghị quyết của làng”, 70 hộ dân ven đường sau đó đã tự nguyện trả lại làng, hiến cho xã hội gần 3000 m2 đất, có hộ hiến, góp cả trăm m2. Nhờ vậy, Thành An mới có được hệ thống đường làng khang trang, rộng rãi, vuông vức như hiện tại.
Hỏi ông làm đường, làm nhà văn hoá, làm cổng làng, toàn những việc “ngốn” tiền, làng lấy ở đâu? Ông bảo: “Ngoài đóng góp của dân ở làng, chúng tôi dùng đến “của để dành”. Của để dành, như ông nói là Thành An chưa giàu nhưng được cái hiếu học. Khó mấy cũng lo cho con cái được học hành. Nhiều con em của làng giờ thành đạt, công tác, sinh sống ở trong, ngoài tỉnh. Khi làng có việc lớn, có lời kêu gọi, hầu hết đều gửi về đóng góp.