60,29% ĐBQH cho rằng không cần thiết ban hành luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo
Chiều 17/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội lấy ý kiến về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Kết quả xin ý kiến cho thấy: Tổng số đại biểu tham gia ý kiến là 393 đại biểu Quốc hội. Nội dung được lấy ý kiến là có cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Kết quả cho thấy có 96 đại biểu thấy cần thiết, tương đương 24,42% trên số phiếu và chiếm 19,96% trên tổng số đại biểu Quốc hội.
Số đại biểu thấy chưa cần thiết là 290, tương đương 73,79% trên tổng số phiếu và 60,29% tổng số đại biểu Quốc hội. Không chọn phương án và ý kiến khác có 25 đại biểu.
Nội dung thứ hai được nêu ra trong phiếu xin ý kiến là “trên cơ sở ý kiến thẩm tra và thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, đề nghị Chính phủ tiếp thu nghiên cứ, hoàn thiện dự án luật”. Kết quả là có 169 đại biểu đồng ý, chiếm 43% trên tổng số phiếu và 35,14% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu chọn phương án không đồng ý là 206 phiếu, chiếm 52,42% trên tổng số phiếu, tương đương 42,83% tổng số đại biểu Quốc hội.
Trước đó trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nhiều ĐB đã bày tỏ ý kiến phản đối luật. Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (đoàn Hà Giang) nhấn mạnh: Cần phải tin tưởng vào hệ thống chính trị của ta từ Trung ương xuống cơ sở xã, phường, phải tin tưởng vào nhân dân.
“Chúng ta phải dựa vào dân, không có việc gì nhân dân không biết. Chúng ta không biết có phải tại chúng ta không tốt, không làm tốt công tác dân vận, không làm công tác nắm tình hình dẫn tới các chính sách pháp luật của Nhà nước không đến nơi đến chốn, người dân không hiểu, không phân biệt được cái trái, phải”-ông Cò cho hay.
Theo ông Cò, bây giờ lực lượng công an của chúng ta quá đông, một tỉnh ít nhất cũng phải từ 3.000 đến 3.500 người, thậm chí có những tỉnh lớn là 4.000, hơn 4.000 công an chính quy, rất đông mà bây giờ lại thêm lực lượng nữa, thì không lẽ lực lượng chính quy này không có đủ khả năng để nắm và xử lý tình hình.
Cái tài của người chiến sĩ công an là xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật để giúp nắm tình hình, nắm từ trong trứng nước không để phát sinh, bùng nổ. Đông nhưng không mạnh thì đúng là tốn kém.
“Ngay bên cạnh chúng ta, Trung Quốc lớn như thế mà chỉ có mỗi một lực lượng vũ trang là quân đội, còn công an chỉ là lực lượng bán vũ trang. Vì vậy, cho nên lực lượng công an vẫn đào tạo chính quy nhưng chỉ Giám đốc, Ban Giám đốc công an huyện mới được chuyên trách, còn lại chỉ bán chuyên trách, làm việc theo hợp đồng, nhưng anh không làm được thì cho anh nghỉ. Làm theo nhu cầu huyện, cần bao nhiêu công an thì sử dụng bấy nhiêu công an, không phải như chúng ta chỗ nào cũng cần. Nhiều khi chúng ta phải đánh giá, tổng kết lại, người dân chưa chắc đã ủng hộ” - ông Cò nói và đề nghị Quốc hội cũng như Chính phủ cũng phải cân nhắc. Đại biểu trước khi bấm nút thay mặt cho cử tri của mình, thay mặt cho dân của mình cũng phải cân nhắc.
Vốn từng xuất thân từ sĩ quan Công an, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cảm thấy “nao nao” và xót xa vì lại phản biện luật của Bộ Công an trình.
Từ thực tiễn cơ sở, ông Hòa cho rằng, lực lượng công an xã hiện nay đã nghỉ gần 1/3, không còn là con số 126.000 như tờ trình của Chính phủ. Số liệu trong tờ trình đưa ra là chưa phù hợp. Cho nên bộ phận tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng chưa chuẩn xác con số đã trình Quốc hội để người ta không hiểu, tin con số này.
Theo ông Hòa, luật nói rằng sẽ giảm chi ngân sách nhưng giảm làm sao được khi 1.500.000 người và tất cả các chế độ đều ghi trong luật. Làm nhiệm vụ thì phải có chế độ bồi dưỡng 24/24, chi theo quy định của Bộ luật Lao động. Như vậy tiền ở đâu?. Ví dụ ở Thành phố Chí Minh, Hà Nội là 2 thành phố giàu nên dễ chi, nhưng một số tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc và các tỉnh nghèo thì lấy gì để chi?. Nếu không chi thì so bì tại sao tỉnh A có, tỉnh B, tỉnh C có mà ở đây không có?.
“Chúng ta chưa đánh giá tác động như thế nào?, ra sao mà chúng ta đã đưa ra?. Báo cáo với Quốc hội, báo cáo Bộ trưởng tôi chưa hài lòng ban hành luật này trong thời điểm hiện nay. Khi đánh giá tác động, tổng kết, sơ kết, lấy ý kiến ở cơ sở để nghe người ta nói ở dưới như thế nào?, ra sao thì lúc đó ban hành luật này cũng không muộn” - ông Hòa kiến nghị.
Cũng trong buổi sáng, 302 đại biểu Quốc hội cũng đã thể hiện chính kiến không tán thành tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 dự án luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.