Chính quyền đô thị là để phục vụ nhân dân
Sau hai lần đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) vào năm 2007 và năm 2014 nhưng không được chấp thuận, tới sáng ngày 16/11, Nghị quyết cho TP HCM triển khai mô hình CQĐT đã được Quốc hội thông qua với 420 đại biểu (tỷ lệ 87%) tán thành.
Như vậy là sau 13 năm ấp ủ, kể từ năm 2007, mô hình CQĐT với TP HCM đã trở thành hiện thực.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và thực hiện từ ngày 1/7/2021. Theo đó, chính quyền cấp thành phố gồm HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở quận, phường là UBND quận, phường (không có HĐND). Các nhiệm vụ của cơ quan dân cử cấp quận, phường được điều chuyển cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố và UBND quận, phường.
Theo mô hình CQĐT, thì UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng; có nhiệm vụ phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của UBND phường trực thuộc để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng; cán bộ, công chức làm việc ở các tổ chức cấp phường thuộc biên chế của tổ chức cấp trên.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND thành phố có quyền bổ nhiệm, cách chức Chủ tịch UBND quận, không cần thông qua HĐND quận như hiện nay. Điều này tương tự ở cấp phường, xã, thị trấn.
Nói như ông Trương Văn Lắm - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM - người nhiều năm là thành viên xây dựng Đề án CQĐT cho TP HCM thì thành phố kiên trì theo đuổi Đề án vì là địa phương có dân số, mật độ và quy mô kinh tế lớn nhất nước. Yêu cầu đặt ra, các quyết định quản lý hành chính của chính quyền thành phố phải đến chính quyền cơ sở, người dân, doanh nghiệp nhanh và chính xác nhất, hạn chế cấp trung gian. Khi triển khai CQĐT bộ máy sẽ tinh gọn, 316 đại biểu chuyên trách ở HĐND quận và phường phải tinh giản, giúp TP HCM tiết kiệm một nhiệm kỳ 5 năm gần 1.200 tỷ đồng (lương và kinh phí vận hành HĐND hai cấp).
Như vậy, với đại đô thị quy mô hơn 10 triệu dân là TP HCM sẽ có “chiếc áo mới” phù hợp hơn, giải quyết nhanh và tốt hơn những vấn đề đặt ra và từ đó có thêm động lực để phát triển. Trên thế giới, có nhiều mô hình tổ chức chính quyền địa phương, nhưng cách gì thì bộ máy đó cũng hướng về người dân, phục vụ người dân.
Một việc ngẫu nhiên nhưng cũng từ đó có thể bàn rộng ra về CQĐT: Trong ngày 16/11, Quốc hội quyết cho TP HCM thực hiện CQĐT, thì cũng trong ngày đó triều cường tấn công TP HCM làm nhiều tuyến đường ngập sâu, đỉnh triều cường lên tới 1,7 mét khiến sinh hoạt người dân thành phố bị đảo lộn. Vậy, khi thực hiện CQĐT thì những bất cập của thành phố có được nhanh chóng giải quyết? Cụ thể là nạn thủ tục hành chính, kẹt xe, ngập lụt, tham nhũng, phiền hà dân của cán bộ cơ sở… từng bị coi là căn bệnh trầm kha.
Với nạn triều cường, cả chục năm nay nước ngập đe dọa thành phố. Mỗi khi triều cường, người dân lại bì bõm trong nước. Ghê gớm nhất là khi triều cường trúng lúc mưa thì đúng là cái cảnh “phố bỗng là dòng sông uốn quanh”. Để thoát nước cho thành phố, nhiều dự án đã được triển khai, có dự án tới chục ngàn tỷ đồng nhưng ngập vẫn ngập. Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh với hệ thống máy bơm khổng lồ cùng cam kết của chủ đầu tư “không hết ngập không lấy tiền” nhưng rồi vẫn thế. Có nơi còn cho thấy mức độ ngập gia tăng, điển hình là khu Thảo Điền (Q.2). Chiều 16/11, tại đây người ta đã phải dùng tới 5 máy bơm công suất 1.000 mét khối/giờ và nhiều máy bơm nhỏ để bơm nước ra sông.
Cũng không thể không nói tới nạn kẹt xe ở thành phố này. Dù công nghệ cao đã được áp dụng để kiểm soát, điều phối, hướng dẫn, giải tỏa nhưng giờ cao điểm không ngày nào không có những tuyến đường kẹt cứng. Trên đường, từng đoàn người xe chôn chân dài lê thê. Đã vậy, phương tiện giao thông công cộng lại chậm phát triển (ví dụ như xe bus), hay là những tuyến đường trên cao, hệ thống giao thông ngầm. Mới đây, lại lộ ra sai phạm tại Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên khiến người dân càng thêm bức xúc.
Một vấn đề nữa cũng gắn với cuộc sống của nhiều người dân TP HCM, đó là thủ tục đất đai, thủ tục xây dựng. Vẫn nhiêu khê lắm, người dân vẫn bị “hành” mà không biết vì sao lại bị hành. Hay như chuyện Thủ Thiêm, hơn 20 năm rồi vẫn không xong chuyện trong ranh, ngoài ranh, “dân oan” vẫn không hết ta thán.
Những chuyện đó cho thấy CQĐT của TP HCM sẽ có rất nhiều việc phải làm. Từ chuyện vĩ mô chiến lược phát triển thành phố cho đến chuyện vi mô cuộc sống của mỗi người dân.
Tất nhiên, CQĐT không phải là “phép tiên” lập tức đem đến điều thần kỳ. Nhưng lần này, hy vọng đã được thắp sáng khi với cách tổ chức mới bộ máy năng động, chủ động, ít khâu trung gian mà trực tiếp với người dân. Vấn đề còn lại là ở cán bộ thực thi, khi rộng quyền hơn nhưng không nghĩ rằng mình là công bộc của dân thì dù cơ chế tốt hơn thế đi nữa thì cũng không giải quyết gì.