Nước Mỹ hậu bầu cử: Giai đoạn chuyển tiếp khó khăn
Việc Tổng thống Donald Trump từ chối hợp tác với Tổng thống đắc cử Joe Biden trong vấn đề vaccine Covid-19 có thể mang đến sự bất ổn, và nhiều người lo ngại ông Trump sẽ để lại gánh nặng cho người kế nhiệm.
Khác biệt vì Covid-19
Việc ông Trump từ chối nhận thất bại bầu cử, những phát ngôn của ông liên quan tới gian lận bầu cử và việc không hợp tác trong chuyển giao quyền lực giữa hai chính quyền có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng; theo giới chuyên gia.
Trong tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Mỹ hiện tại, những sự việc trên có khả năng sẽ gây ảnh hưởng tới chính quyền tương lai của ông Joe Biden, không chỉ xét về chính trị. Ngày càng có quan ngại rằng việc cản trở của ông Trump sẽ làm chậm quá trình phân phối vaccine Covid-19, làm ảnh hưởng tới viễn cảnh trở lại cuộc sống bình thường của người dân Mỹ.
Việc phân phối vaccine Covid-19 được cho là cực kỳ phức tạp, trong khi hàng trăm triệu người dân Mỹ cần được tiêm chủng. Tiến trình này sẽ cần mức độ tín nhiệm cao của người dân, và sẽ làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận trong giới chức chính quyền xem nhóm người nào nên được tiêm chủng trước. Nhưng do những trở ngại từ phía chính quyền Trump, đội ngũ của ông Biden có thể đối mặt với nhiều thách thức trong vấn đề này.
“Sẽ có thêm nhiều người tử vong nếu như chúng ta không hợp tác” - ông Biden cảnh báo trong hôm 17/11, tăng cường sức ép để ông Trump phải thừa nhận thất bại bầu cử và bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực.
Hiện tại, đội ngũ của ông Biden đã bắt đầu cảm thấy sự gấp gáp, họ đưa ra nhiều đề xuất mới và kêu gọi nỗ lực phối hợp toàn quốc để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bản thân ông Biden ở thời điểm này chưa có đủ quyền lực để thực thi kế hoạch của mình, mà phải chờ đến sau ngày tuyên thệ 20/1/2021.
Hãng CNN hôm đầu tuần này đưa tin rằng ông Trump không có ý định từ bỏ các đòn công kích nhằm vào kết quả bầu cử hay khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực, không công nhận ông Biden là Tổng thống đời tiếp theo.
Thay vào đó, ông Trump tiếp tục cuộc chiến pháp lý, đâm đơn kiện ở nhiều bang và đưa ra nhiều cáo buộc về gian lận bầu cử. Những hành động này thêm phần bất ổn cho một quốc gia vốn đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Hiện Mỹ đã ghi nhận 246.000 ca tử vong do virus corona chủng mới, hàng triệu người mất việc làm.
Chuyển giao quyền lực?
Trên thực tế thì việc chuyển giao quyền lực khó khăn không phải là chưa từng xảy ra trước đây. Việc chuyển giao từ chính quyền Tổng thống Herbert Hoover sang chính quyền Tổng thống đắc cử Franklin Roosevelt năm 1932-1933 cũng diễn ra trong tình trạng khủng hoảng, đó là cuộc đại suy thoái, và cũng nhiều khó khăn.
Có nhiều đội ngũ Nhà Trắng từng lợi dụng quyền ra quyết định của họ để gây khó dễ cho chính quyền của đảng đối lập. Ông Trump thậm chí còn đi xa hơn. Các tướng lĩnh quân đội Mỹ cho rằng sắc lệnh hành pháp mà ông Trump sắp đưa ra những ngày tới bao gồm rút binh sĩ khỏi Iraq và Afghanistan, để hoàn tất vào ngày 15/2/2021.
Và nếu có hậu quả xảy ra - như sự sụp đổ của Chính phủ Afghanistan do sự trỗi dậy của phiến quân Taliban - thì chính quyền Biden lại phải gánh chịu.
Ngoài ra có nhiều dự báo rằng Tổng thống Trump sẽ đưa ra một số động thái sửa đổi chính sách ngoại giao, trong đó có tăng hàng rào thuế quan nhằm vào Trung Quốc hoặc tăng đòn cấm vận nhằm vào Iran. Điều này sẽ khiến chính quyền Biden khó khăn trên bàn đàm phán trong tương lai.
Mới đây nhất, tờ New York Times đưa tin đương kim Tổng thống Donald Trump đã hỏi các cố vấn trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục rằng ông có những lựa chọn nào để tấn công cơ sở hạt nhân chính của Iran trong các tuần tới.
Cuộc họp này diễn ra vào hôm thứ Năm tuần trước, sau khi các thanh sát viên quốc tế báo cáo về việc Iran tăng trữ lượng vật chất hạt nhân - tờ New York Times dẫn lời 4 quan chức và cựu quan chức cho hay.
Trong cuộc họp đó, nhiều cố vấn cấp cao đã thuyết phục ông Trump hủy kế hoạch tấn công quân sự. Các cố vấn - bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Christopher C. Miller, quyền Bộ trưởng Quốc phòng, và tướng Mark A, Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân - cảnh báo rằng một đòn tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran có thể dễ dàng làm bùng phát một cuộc chiến rộng khắp trong những tuần cuối cùng ông Trump làm Tổng thống.
Bất kỳ cuộc tấn công nào - dù là bằng tên lửa hay tấn công mạng - đều gần như chắc chắn sẽ nhằm vào Natanz, nơi mà Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA) hôm thứ Tư tuần trước báo cáo rằng lượng dữ trữ uranium của Iran giờ nhiều hơn gấp 12 lần so với mức cho phép trong Thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đã rút khỏi trong năm 2018. IAEA còn nhấn mạnh rằng Iran không cho cơ quan này tiếp cận cơ sở trên.