Những người thầy truyền cảm hứng
Quãng đời học sinh mỗi người sẽ rất tuyệt vời và may mắn nếu gặp được những người thầy, người cô tâm huyết với sự nghiệp trồng người.
Đó chưa hẳn là người thầy giảng bài hay nhất, người sở hữu lượng kiến thức đáng khâm phục nhất… mà đôi khi, những cư xử từ xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến được trái tim của lớp lớp học trò.
Con gái tôi, một cô bé lớp 2 đã rất vui khi được cô giáo dạy nhạc hỏi: “Con thích học môn gì nhất ở trường?”. Câu trả lời của con là môn Toán và từ đó trở đi, mỗi một tiết học đàn, cô đều lồng ghép các nội dung liên quan đến âm nhạc thông qua hình thức, phương pháp của môn Toán nên học trò rất hứng thú với giờ học.
Kể một câu chuyện nhỏ như vậy để thấy, một sự quan tâm của thầy cô dù là lời nói hay ánh mắt… đối với học trò cũng có ý nghĩa vô cùng lớn lao, nếu không muốn nói là có sức mạnh hơn ngàn vạn lời khen, lời động viên của bố mẹ.
Đây cũng là quan điểm của thầy giáo Nguyễn Đức Trường - Trường THCS Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội). Gặp thầy tại Lễ tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu của ngành giáo dục đào tạo Thủ đô năm 2020 mới đây, dù trong thời gian ngắn ngủi nhưng niềm say mê, sáng tạo với nghề ở người thầy nghị lực này đã chinh phục những người đối diện.
Di chứng từ chất độc da cam khiến đôi chân của thầy khá yếu, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, không tự ti, mặc cảm vì hình thức của mình, thầy giáo Nguyễn Đức Trường đã từng bước tự mình chinh phục ước mơ trở thành thầy giáo, mang lại kiến thức, thay đổi cuộc sống của những con em quê hương mình. Không chỉ say mê truyền đạt tri thức, thầy Trường còn quan tâm đến hoàn cảnh cũng như năng lực, sở thích của từng học sinh. Để rồi, với sự động viên của thầy và miệt mài của trò, nhiều thế hệ học sinh của Trường THCS Đa Tốn và nhiều học sinh khác trong vùng đã tin tưởng nhờ thầy đào tạo đến nay đã trưởng thành và đạt được những thành công nhất định.
Cô giáo Lò Thị Lan của Trường Tiểu học Dìn Chin, thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai lại nổi tiếng khắp vùng bởi hơn 9 năm nay, cô cùng đồng nghiệp trèo đèo lội suối, không quản khó nhọc hứng từng giọt nước mưa, nước suối đảm bảo sinh hoạt cho học sinh ở khu nội trú. Ở nơi được mệnh danh là “Trường Sa cạn” này, mỗi giọt nước đều quý giá như vàng nên chỉ riêng việc bố trí đủ nước ăn uống sinh hoạt cho học sinh đã là cả một bài toán với cô và các đồng nghiệp.
Khó khăn nữa là 100% học sinh tại trường Dìn Chin là người dân tộc thiểu số nên không dễ để vận động các em ra lớp, và càng khó hơn để giữ các em lại với mái trường. Nhưng bản thân cũng là người dân tộc Bố Y, cô Lò Thị Lan hiểu rằng chỉ có học vấn, kiến thức là con đường giúp người dân nơi đây thoát khỏi đói nghèo. Nên vất vả không kể xiết nhưng cô giáo 9X chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc.
Đó là cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Hưng- giáo viên Khoa Chăm sóc sắc đẹp, Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội. Có mặt trong một giờ giảng của cô Hưng mới thấy, để thu hút học viên học nghề và đam mê với công việc này, không thể chỉ có lý thuyết suông.
“Trong giờ giảng 60 phút, tôi tích hợp giảng lý thuyết 20% có sử dụng máy chiếu để trình chiếu video bài học; thực hành (80%) để dạy cho sinh viên vẽ thành thạo một kiểu lông mày”- cô Hưng chia sẻ. Xu hướng chọn học nghề phù hợp với khả năng và sở thích của mỗi học viên ngày nay đã rộng mở hơn rất nhiều so với trước đây bởi chính sách phân luồng của ngành giáo dục. Song để chinh phục hoàn toàn học viên thì chỉ có sự tận tâm với nghề, kỹ năng thành thạo và không ngừng trau dồi năng lực của bản thân mới khiến các thầy cô trường nghề lan tỏa được giá trị của công việc, nghề nghiệp mà mình đang hướng dẫn cho học trò.
Chính những người thầy truyền cảm hứng như cô Hưng, thầy Trường, cô Lan và hàng triệu giáo viên khác đang làm thay đổi quan niệm học tập không phải chỉ để thi vào đại học mà là học và tự học suốt đời. Khi có đam mê, sự học và dạy học sẽ không còn là gánh nặng vất vả, khổ cực…
Mỗi công việc đều đem lại những ý nghĩa riêng nhưng với nghề giáo, mỗi mùa 20/11 là dịp để nhìn lại con đường mình đã chọn. Hy vọng dù có chông gai, thử thách và áp lực như tâm sự của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì “mỗi thầy cô giáo vẫn kiên định, kiên trì, thậm chí là kiên nhẫn để thực hiện từng bước thì sự nghiệp đổi mới giáo dục chắc chắn thành công”.