Gắn kết nghệ thuật công cộng và du lịch
Ngày 17/11, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch”.
Tại Hội thảo các đại biểu là các nhà nghiên cứu, chuyên gia về văn hóa, đô thị đều khẳng định nghệ thuật công cộng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội đáng sống, hình thành nên những công dân biết yêu cái đẹp, hướng đến tính thiện và biết chia sẻ yêu thương; một phần khác bởi vì, các không gian công cộng chính là những điểm nhấn của một đô thị.
Tuy nhiên, ở nước ta, nghệ thuật công cộng hiện được đầu tư từ nhiều nguồn ngân sách khác nhau, từ Nhà nước, doanh nghiệp, đến người dân. Do đó, để gắn kết những không gian nghệ thuật công cộng với du lịch trước tiên phải đáp ứng được vẻ đẹp, có ý nghĩa, công năng phục vụ, mới phát huy được sức mạnh làm vai trò cầu nối hấp dẫn cho những trải nghiệm của người tham quan.
Dẫn chứng các không gian nghệ thuật tại Hà Nội, TS Nguyễn Ngọc Dung, Trường Đại học KHXHNV (Đại học Quốc gia HN) cho biết, mặc dù rất quan tâm chú ý đến sự phát triển các lễ hội đường phố nhưng Hà Nội lại gần như lãng quên sự phát triển của tranh, tượng đường phố.
Ngoại trừ bức phù điêu Hà Nội mùa đông năm 1946 (tác giả Nguyễn Chi Lăng) đúc bằng đồng, được cài đặt trước cửa chợ Đồng Xuân vào cuối năm 2004, thì cho mãi đến năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội mới xuất hiện thêm bức tranh gốm mang tên Con đường gốm sứ (tác giả Nguyễn Thu Thủy). Tuy nhiên, con đường này do được thiết kế bên sườn con đê nhỏ, không có đủ một không gian thuận lợi để ngắm nhìn và thưởng thức. Vì thế công trình đã nhanh chóng xuống cấp, gây phản cảm, lãng phí tiền của và công sức của nhiều người, nhiều tổ chức xã hội đã tâm huyết dành cho công trình.
TS Nguyễn Ngọc Dung cũng phân tích, thực trạng nghệ thuật công cộng ở Hà Nội trong việc kiến tạo điểm đến du lịch vẫn chỉ dừng lại ở chất liệu từ thế kỷ trước. Tượng đài chủ yếu làm bằng bê tông, ít tính thẩm mỹ. Bên cạnh đó, các điêu khắc và tranh hoành tráng vẫn là sản phẩm thủ công phóng to. Hình khối, không gian của nghệ thuật công cộng còn ít tính sáng tạo và rất thiếu sự gợi ý, gợi cảm. Thậm chí, khi các tác phẩm sử dụng yếu tố truyền thống cũng bị ở tình trạng nhắc lại một cách khô cứng.
Điều đó cũng là nguyên nhân khiến cho các tác phẩm khó thích nghi môi trường mà nó được đặt để, hạn chế trong giao tiếp với công chúng thưởng thức, làm cho sức sống của nó bị chìm đi trong bối cảnh đời sống đô thị luôn sôi động và đổi mới từng ngày.
“Bản thân nghệ thuật công cộng ở Hà Nội chưa có nhiều công trình thực sự có sức hút, có giá trị trong mắt của khách du lịch. Bởi thiếu sự đầu tư bài bản, chất lượng, chiến lược cả vật chất cũng như tâm huyết” - TS Dung nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhìn nhận, cho đến nay đã có một số dự án nghệ thuật công cộng triển khai ở Hà Nội. Trong đó có những dự án nhận được phản hồi tích cực từ công chúng.
Đơn cử như phố bích họa Phùng Hưng đã thu hút du khách và trở thành một điểm đến ở Hà Nội hay như Phúc Tân đã trở nên khang trang hơn nhờ 16 tác phẩm nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhìn chung, không gian công cộng của Hà Nội vẫn chật chội, chưa hấp dẫn và thiếu các dự án, chương trình nghệ thuật công cộng mang tính tổng thể.
PGS Thanh Mai cũng dẫn chứng, những dự án nghệ thuật công cộng thành công trên thế giới luôn quan tâm đến nhận thức của công chúng, mục đích cơ bản của nghệ thuật công cộng. Các hoạt động sáng tạo như những động lực thúc đẩy sự tái tạo và phát triển đô thị. Điểm đến không đơn thuần là một không gian vật lý hay một nơi chứa thụ động trong đó các hoạt động diễn ra, mà nó được xây dựng và liên tục tái tạo, tác động đến cách mọi người nhận thức, trải nghiệm và đánh giá môi trường…
“Sức hút của một địa điểm thường vì giá trị tự nhiên hoặc văn hóa. Đó có thể là vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, hệ động thực vật độc đáo, hoặc sự sắp đặt, trưng bày mang ý nghĩa lịch sử, bản sắc văn hóa, mang lại sự thư giãn, phiêu lưu và giải trí”- PGS Thanh Mai nói.
Bên cạnh những bất cập trong việc gắn kết, tại Hội thảo các đại biểu cũng đã đưa ra những phương án nhằm tháo gỡ những bất cập này. Ở đó, theo hầu hết các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều cho rằng cần có sự kết nối các dự án nghệ thuật công cộng, và những không gian nghệ thuật đương đại mới thành một bản đồ khám phá nghệ thuật trong thành phố.
Thông qua đó các không gian nghệ thuật công cộng sẽ trở thành những sản phẩm du lịch khám phá văn hoá trải nghiệm cho du khách trong nước và quốc tế. Điều này không chỉ nhằm thu hút du lịch mà còn có thể nâng cao trình độ thẩm mỹ của người dân cũng như nâng cao ý thức về giá trị cảnh quan, giá trị nghệ thuật đối với mỗi không gian trong thành phố. Ngoài ra, việc rất cần làm tiếp theo là sự hợp tác của các ban ngành trong xã hội từ du lịch đến giáo dục tạo thêm sức lan toả cho những dự án cộng đồng.
Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đi cùng với sự phát triển của các không gian nghệ thuật rất cần tới sự mở rộng của các không gian sáng tạo. Ở đó, vấn đề nằm ở chính sách phát triển kinh tế văn hoá xã hội cụ thể của chính quyền, cần phải có những cam kết thay đổi ủng hộ và đồng hành cùng với việc thúc đẩy nguồn lực sáng tạo trẻ. Bởi chính giới trẻ hiện nay luôn đủ nhậy bén để nắm bắt thời cơ và phát triển.
Ở đó, bên trong các không gian sáng tạo nên có một tỉ lệ nhất định dành cho những sáng tạo mang tính kết nối cộng đồng, cụ thể là những tác phẩm nghệ thuật công cộng, nhằm tạo điểm nhấn sức hút và là nguồn năng lượng kích thích sự sáng tạo tự do.
“Từ đó, nghệ thuật cộng cộng và những không gian sáng tạo sẽ trở thành những điểm nhấn then chốt tạo nên những thay đổi căn bản cho mục tiêu trở thành thành phố thông minh, thành phố sáng tạo trong tương lai không xa”- họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.