Thắt ruột khi thầy giáo vùng cao nói: ‘Em sợ khi về con không nhận ra mình’
“Ngày em vào đây dạy học, con em mới hơn 1 tuổi. Nhớ nó lắm, nhưng mỗi tuần chỉ gọi về nhà được một lần vì trong đây không có điện, không có sóng di động. Em sợ ngày về, con không nhận ra mình…!”.
Thầy Lý Văn Là, giáo viên Trường Tiểu học La Văn Cầu, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông tâm sự khi trở thành nam giáo viên duy nhất tại cụm dân cư “8 không”.
Đứng lớp tại nơi “8 không”
Trời tờ mờ sáng, những cơn gió mùa khô của Tây Nguyên vẫn thổi mạnh, mang theo hơi lạnh của vùng thâm sơn cùng cốc. Đúng 5h, thầy Lý Văn Là (27 tuổi) chuẩn bị sẵn một bao gạo và ít quần áo, chào tạm biệt người chú họ rồi đi vào màn sương sớm.
Như thường lệ, cứ sáng thứ hai đầu tuần, thầy Là từ điểm trường chính, một mình vượt gần 20 km đường rừng để vào cụm 8 - nơi từng được mệnh danh là “cụm dân cư 8 không” - hiện đang có gần 70 học sinh lớp 1.
Sương mù bao trùm khắp con đường dẫn từ trung tâm xã vào đến điểm trường. Cứ đi một đoạn, thầy Là phải dừng xe để lau kính vì sương ướt đẫm. Càng đi, sương càng dày, không khí càng lạnh nên phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, thầy Là mới tới được con đường đất đầu cụm, dẫn vào điểm trường.
“Mùa này đi dạy còn sướng hơn rất nhiều bởi mỗi tuần chỉ đi có 1 lần. Mùa mưa thì coi như chịu chết, ở lại cả tháng trong điểm trường chứ không thể nào ra nổi”, thầy Là kể về quãng đường mình mới trải qua.
Con đường đất vào điểm trường đa phần là dốc cao dựng đứng nối tiếp dốc thăm thẳm. Nói là đường nhưng thực ra chỉ là một lối mòn nhỏ, len lỏi qua rẫy của người dân. Thi thoảng, trên con đường đất ấy, thầy Là lại bắt gặp học trò của mình đang đi bộ ra điểm chính.
Thêm gần 1 giờ đồng hồ nữa, thầy Là mới đặt chân tới cụm dân cư số 8- điểm trường Tiểu học La Văn Cầu. Giữa ngút ngàn cà phê và rừng lô ô, điểm trường dần dần ẩn hiện. Điểm trường này có 5 phòng học, thế nhưng năm học này mới chỉ tổ chức cho gần 70 học sinh vào học lớp 1 do không đủ giáo viên đứng lớp.
Nam giáo viên tâm sự, ở đây không có điện nước, không nấu cơm sáng được. Dạy xong nửa buổi, tranh thủ học sinh nghỉ giữa giờ, thầy Là mới lót dạ bằng gói mì tôm. Có một chiếc bếp ga du lịch của mạnh thường quân tặng, thầy Là dùng để đun nước. Dùng tiết kiệm, một tuần mới đổi bình ga một lần.
Chia sẻ về lớp học giữa cụm dân cư “8 không”, thầy Là bảo, 100% đều là học sinh người Mông. Trước ngày khai giảng, các em chưa từng đi học nên hầu hết không nói được tiếng Kinh, thành ra mỗi ngày lên lớp đều khó khăn, vất vả cả.
“Những ngày đầu các em không biết gì cả, giáo viên phải giao tiếp bằng tiếng Mông với học trò. Phải mất hơn 1 tuần, thầy trò quen nhau nên việc học mới hiệu quả. Rất may mắn, học trò ở đây đều ngoan và nghe lời thầy cô”, thầy Là cho hay.
“Nhiều lúc nhớ con mà chỉ biết lấy ảnh ra nhìn…”
Hơn 3 tháng đặt chân đến Tây Nguyên, thầy Là vẫn chưa hết bỡ ngỡ. Ban ngày có học sinh để trò chuyện. Thế nhưng khi màn đêm buông xuống, hình ảnh người vợ và đứa con trai hơn 1 tuổi luôn hiển hiện trong suy nghĩ của nam giáo viên.
Vì cảm giác cô đơn giữa núi rừng, thèm có tiếng nói, tiếng cười của vợ con nhiều khi thầy Là trào nước mắt trước cảnh một mâm, một bát, một đôi đũa…
“Quê mình ở Hà Giang. Ngày vào đây dạy học, con mình mới được hơn 1 tuổi. Bây giờ mới được ký hợp đồng 2 tháng. Không biết hết tháng này, có được ký hợp đồng đứng lớp nữa không nên chưa dám đưa vợ con vào đây”, thầy Là trải lòng.
Nam giáo viên chỉ về phía góc phòng học, nơi được gọi là chỗ nghỉ ngơi sau mỗi ngày đi dạy. Thầy Là bảo, vì nhà trường chưa có điều kiện xây nhà nội trú cho giáo viên nên tận dụng phòng học trống, thầy xếp tạm mấy chiếc bàn học làm giường ngủ. Căn phòng này vừa là nơi nghỉ ngơi, vừa là nơi làm việc
Cẩn thận lấy trong cuốn sổ ra tấm hình của con trai, tấm hình trắng đen được in trên một tờ giấy A4, thầy Là trầm giọng kể, ngày vào Đắk Nông, tài sản duy nhất là chiếc điện thoại trắng đen.
Nhớ con, thầy Là đành nhờ người chú họ in ảnh đứa con trai rồi cất trong sổ, mỗi lúc rảnh lại lấy ra ngắm. Chính vì thế, nhận được tháng lương đầu tiên, thầy Là mua ngay một chiếc điện thoại mới với mong muốn được gọi điện, được nhìn thấy vợ con.
“Ngày em vào đây dạy học, con em được 18 tháng. Nhớ nó lắm, nhưng mỗi tuần chỉ gọi về nhà được một lần vì trong đây không có điện, không có sóng di động. Em sợ ngày về, con không nhận ra mình. Nhiều lúc nhớ con mà chỉ biết lấy ảnh ra nhìn…”, nam giáo viên tâm sự.
Hiện nay, con trai của thầy Là đã được gần 2 tuổi, ước muốn duy nhất của thầy Là được đón vợ con vào đây ở cùng. “Bây giờ em cố gắng bám trụ ở đây, mong sao nhà nước tạo điều kiện nhận em vào làm việc chính thức. Có công việc ổn định, em mới dám đưa vợ con vào đây sinh sống”.
Thầy Ly Seo Chá, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu cho biết, thầy Là là một trong hai giáo viên người Mông vào điểm trường cụm 8 để dạy học. Cuộc sống vất vả, học sinh lại là người dân tộc thiểu số thế nhưng chính lòng yêu nghề, nhiệt huyết và thương trò đã giúp thầy Là “bám lớp” đến ngày hôm nay.
“Nhà trường cũng rất hy vọng, ngành chức năng sẽ xem xét tuyển dụng thầy Là để thầy yên tâm làm việc trong thời gian tới”, thầy Chá hy vọng.
Công trình phòng học Dân trí đầu tiên tại Tây Nguyên.
Điểm trường Tiểu học La Văn Cầu (cụm 8, xã Đắk R'măng) cũng chính là Công trình phòng học Khuyến học và Dân trí được xây dựng tại Tây Nguyên.
Công trình được khánh thành vào tháng 5/2020 với sự tài trợ của Báo điện tử Dân trí và TC MOTOR- Khối ô tô tập đoàn Thành Công đầu tư xây dựng trị giá hơn 1,5 tỉ đồng.
Công trình đi vào hoạt động, đáp ứng sự mong mỏi của gần 2000 người dân đang sinh sống tại 4 cụm dân cư 8,9,10,12. Hàng trăm đứa trẻ tại khu vưc này sẽ có cơ hội được đến trường mà không phải vượt quãng đường gần 30km như trước.
Hiện điểm trường đang có 2 lớp một với 66 học sinh người Mông.