Nhục hình, bức cung
Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trưởng công an thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cùng 2 công an viên để điều tra về tội “dùng nhục hình” theo quy định tại Điều 373 BLHS năm 2015.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, 3 cán bộ công an trong quá trình làm việc với nghi phạm đã có hành vi tát, bẻ tay ra sau lưng, dùng còng số 8 treo hai tay nghi phạm lên tường. Đặc biệt, họ còn dùng điếu thuốc đang hút dí vào móng tay của nghi phạm, gây cháy, bỏng móng tay…
Hành vi vi phạm pháp luật nói trên sẽ được cơ quan điều tra xem xét, xử lý nghiêm. Tuy nhiên, dư luận người dân cũng như chính ngành công an rất lấy làm buồn trước hành vi cố tình vi phạm pháp luật của những cá nhân được giao cầm cương, thi hành pháp luật.
Chuyện nhục hình, bức cung- vấn nạn từ xưa đến nay, mà hậu quả của nó là những vụ án oan sai đau lòng. Không nói chuyện xưa, mà ngày nay, vẫn xảy ra nhiều vụ án oan sai từ nhục hình, bức cung. Những vụ án oan như Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang); Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận)...là những vụ án điển hình.
Những năm qua, cơ quan chức năng cũng đã khởi tố, đưa ra xét xử hàng chục vụ án liên quan đến việc dùng nhục hình, bức cung, với những bản án nghiêm khắc. Như cuối năm 2019, TAND huyện Bến Lức (Long An) đã tuyên mức án 5-7 năm tù cho 3 cán bộ quản giáo ở trại giam Long Hòa về tội dùng nhục hình.
Pháp luật cấm việc dùng nhục hình, bức cung. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng đã có nhiều quy định thay đổi để tránh oan sai, bảo vệ người bị tạm giữ, tạm giam như cho luật sư, thẩm phán tham gia ngay từ đầu; trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, buộc phải nhận mình có tội; hay phải ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung...
Pháp luật quy định là vậy, nhưng quy định pháp luật có được thực hiện nghiêm hay không và vì sao chính những người được giao bảo vệ pháp luật lại vẫn cố tình vi phạm pháp luật? Trong khi những bài học vẫn còn sờ sờ trước mắt.
Vấn đề quan trọng ở đây vẫn là tư cách, phẩm chất, năng lực cán bộ và đạo đức con người.