Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới
Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đến thời đại Hồ Chí Minh, đoàn kết được nâng lên một bước mới về chất, thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, Đảng ta và Bác Hồ xác định đoàn kết là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, nhờ sự đoàn kết mà dân tộc ta tiến hành cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Nhờ đoàn kết mà dân tộc ta đánh bại thực dân Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, ký kết Hiệp định Geneva, miền Bắc đi lên Chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nhờ đoàn kết mà quân dân miền Nam, cùng với quân dân cả nước đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.
Nhờ đoàn kết mà dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giữ vững bờ cõi biên cương ở phía Nam, phía Bắc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với nước bạn Campuchia.
Nhờ đoàn kết mà dân tộc ta vượt qua khủng hoảng khi phe XHCN bị sụp đổ, vững bước đi lên đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 35 năm đổi mới.
Và trong thời gian gần đây, nhờ đoàn kết mà đất nước ta đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế có hiệu quả, chung tay giúp đỡ kịp thời cho đồng bào miền Trung khi bị thiên tai bão lũ.
Từ đó, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đó là một thực tế chúng ta đáng trân trọng và tự hào.
Lịch sử và thực tiễn chứng minh đạt được những thành tựu đó là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ, do sự đoàn kết đồng lòng của cả dân tộc Việt Nam.
Từ đó, Đảng ta đã xác định đoàn kết là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng nước ta.
Trong bối cảnh hiện nay, đất nước ta vừa có nhiều thời cơ thuận lợi, vừa phải đương đầu với không ít khó khăn thách thức để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới đề ra, đòi hỏi hơn bao giờ hết phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đoàn kết trên cơ sở nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Đoàn kết không phân biệt thành phần, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời phát huy truyền thống nhân nghĩa khoan dung của dân tộc.
Đoàn kết vì mục tiêu chung giữ vững độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đòi hỏi Đảng ta tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đường lối chính sách; Nhà nước kịp thời thể chế hoá những quan điểm, nghị quyết của Đảng thành pháp luật vừa đúng ý Đảng, vừa hợp lòng dân nhằm đáp ứng những quyền lợi thiết thân trước mắt và cơ bản lâu dài, qua đó khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc trong thời kỳ mới. Đồng thời, phải quan tâm tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.
Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo. Hội Phản đế đồng minh được thành lập ngày 18/11/1930, là tổ chức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam. Để phù hợp trong mỗi giai đoạn cách mạng, Mặt trận có tên gọi khác nhau; đến nay là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.
Có thể nói, suốt 90 năm qua dù mang tên gọi nào Mặt trận cũng cùng chung tính chất, đó là Mặt trận của dân tộc Việt Nam, đoàn kết, tập hợp mọi người Việt Nam yêu nước, thống nhất ý chí, hành động và mục tiêu chung. Đến ngày 26/3/1968, sau khi lắng nghe ý kiến của các vị làm công tác Mặt trận các thời kỳ, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá V quyết định lấy tên Mặt trận Dân tộc Thống nhất làm tên gọi chung cho các tổ chức Mặt trận và lấy ngày 18/11/1930 làm ngày kỷ niệm thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất hàng năm.
Phương hướng nhiệm vụ thứ sáu của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển 2011), nêu rõ: “Tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất, vừa khẳng định về mặt lịch sử, vừa chỉ ra nhiệm vụ suốt thời kỳ quá độ lên CNXH là phải tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất”.
Trong lúc chưa có Chính quyền, Đảng hoá thân vào Mặt trận để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Khi chưa có chính quyền, Mặt trận thực hiện các nhiệm vụ như chính quyền nhân dân, chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân. Mặt trận tập hợp đoàn kết toàn dân để đánh đổ thực dân, phong kiến, đế quốc và tay sai, giành Chính quyền về tay nhân dân. Khi có Chính quyền, Mặt trận tiếp tục xây dựng bảo vệ Chính quyền là cơ sở chính trị của Chính quyền nhân dân.
Suốt chặng đường 90 năm qua, Mặt trận luôn gắn liền với vận mệnh của đất nước, của dân tộc, góp phần cùng dân tộc làm nên những trang sử vẻ vang nhất, hào hùng nhất trong thế kỉ XX và những năm đầu của thế kỉ XXI. Mặt trận không ngừng trưởng thành, hoàn thiện về mặt tổ chức.
Đến nay, được Đảng và Nhà nước xác định MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cá nhân tiêu biểu… Mặt trận là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận, Mặt trận là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước, vì mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mặt trận đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Để làm tốt vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đòi hỏi Mặt trận phải tăng cường và mở rộng về mặt tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nhà nước tiếp tục thể chế hoá, phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
Các cấp uỷ Đảng tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo, làm tốt vai trò vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo đối với Mặt trận, chăm lo đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận, có chính sách thu hút các cá nhân tiêu biểu và các chuyên gia giỏi tham gia hoạt động Mặt trận. Đặc biệt, chọn người cử làm Chủ tịch Mặt trận chuyên trách đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đã thể hiện trong các Nghị quyết, Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được kế thừa, bổ sung, phát triển đưa vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để tiếp tục quán triệt trong Hệ thống chính trị và toàn xã hội, để biến những quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh thành hiện thực trong thời kỳ mới”.