Đắk Lắk: Thầy cô ở M’Đrắk không sợ khổ, chỉ sợ học sinh không đến lớp, không áo mặc

20/11/2020 10:38

Chấp nhận vào công tác ở xã vùng sâu, vùng xa, các thầy cô giáo sẵn sàng vượt qua những khó khăn thử thách, sự thiếu thốn trăm bề để cống hiến sức mình với sự nghiệp “gieo chữ” cho học trò nghèo.

Gian nan đường vào điểm trường

Điểm trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và trường mầm non Hoa Ban tại thôn 4 xã Cư San (huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) nằm cách trung tâm huyện M’Đrắk trên 40 cây số. Sau gần 1 giờ đồng hồ vượt qua những quãng đường gập ghềnh, quanh co đầy ổ gà, chúng tôi cùng một đoàn thiện nguyện tại TP Buôn Ma Thuột mới đến được địa bàn xã Cư San.

Điểm trường thôn 4 xã Cư San nằm trên một ngọn đồi.

Tại đây, do quãng đường rất khó di chuyển, mọi người buộc phải chuyển tất cả đồ đạc từ xe tải sang xe ben (chuyên chở cát) và người leo tuốt lên thùng xe để di chuyển vào điểm trường thôn 4.

Làm nhiệm vụ dẫn đoàn, cô giáo Trần Thị Hải Lụa (trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng) cho biết, hôm nào thời tiết nắng ráo đoàn mới có thể vào điểm trường được, còn trúng ngày mưa phải xác định ở lại trong thôn luôn vì đi lại rất khó khăn.

Quãng đường vào điểm trường quanh co, trơn trượt.

Vừa nói, cô Lụa vừa chỉ vào con đường đất đá ngoằn ngoèo, nhão nhoét của trận mưa từ hai hôm trước. “Giáo viên ở đây đi lại bằng xe máy nên chuyện bị trượt ngã như cơm bữa, có hôm đến được trường thì quần áo toàn đất đỏ. Việc có được con đường để đi lại là niềm ao ước biết bao năm nay của người dân nơi đây” - cô nói thêm.

Cô Lụa đã có thâm niên hơn 3 năm công tác tại điểm trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, trước đó cô đã đi tăng cường dạy tại rất nhiều điểm trường trên địa bàn huyện M’Đrắk nhưng điểm trường ở Cư San với cô là nơi khó khăn nhất. Toàn thôn có khoảng 100 hộ dân đều là người Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào sinh sống và hầu hết đều thuộc diện hộ nghèo.

Để thuận tiện vào điểm trường, mọi người phải đi nhờ xe ben chở cát.

“Ở đây trẻ con chủ yếu tự chăm sóc nhau là chính, còn bố mẹ đều đi làm nương rẫy hoặc để con cái ở nhà sang tỉnh Lâm Đồng hái cà phê thuê để gửi tiền về nuôi con” - cô chia sẻ.

Để vào trường, chúng tôi phải vượt qua hai con suối, di chuyển qua chiếc cầu bằng gỗ tạm bợ do người dân ráp lại và băng qua nhiều đoạn đường sình lầy. Quãng đường vào điểm trường chỉ hơn 6km nhưng khiến mọi người chao đảo, nghiêng ngả liên tục trên chiếc xe ben.

Hơn 150 em nhỏ vui mừng khi có đoàn thiện nguyện tới thăm.

Chiếc xe dừng chân tại ngọn đồi, nơi có hai mái trường nhỏ xinh của các em đồng bào dân tộc Mông. Những đứa trẻ vùng cao khuôn mặt lấm lem, hơn nửa số học sinh nghèo đều đi chân trần dưới trời nắng gắt, nhiều em mặc những bộ đồ cũ kỹ, nhàu nhĩ, thậm chí còn bị rách.

Nhận quà, các em reo lên vì vui sướng, lâu các em mới có đồ áo mới, mới được ăn những cái kẹo, gói bánh hay được uống sữa. Những thứ tưởng rất bình dị với bao đứa trẻ lại là những thứ rất “xa xỉ” với trẻ em nơi đây.

Nhiều em đi chân trần không có lấy dôi dép để mang.

“Bình thường con không được ăn bánh ngon đến như vậy đâu, hôm nay được cô chú phát quà, phát bánh kẹo, con vui nhiều lắm”, em Giàng Văn Minh (9 tuổi) vừa ăn bánh vừa nói.

Thầy cô vượt suối vào trường dạy học.

Điều kiện công tác khó khăn

Tại điểm trường các cô giáo ở lại tại căn nhà gỗ tạm bợ, kê chiếc giường con làm chỗ ngủ và thay nhau kiếm rau rừng về nấu ăn. Thức ăn ở đây rất khan hiếm nên giáo viên thường mang theo cá khô, trứng gà, mì tôm vào trường, còn việc có thịt để ăn là điều khá hiếm hoi ở vùng đất khó này.

Học sinh nghèo háo hức nhận những suất quà.

“Tuy việc đi lại và điều kiện ăn ở thiếu thốn nhưng bù lại là các em học sinh rất ngoan, lễ phép với thầy cô giáo. Đó cũng chính là động lực để kiên trì giảng dạy nơi vùng đất khó khăn này”, cô Lụa tâm sự.

Dạy tại trường mầm non Hoa Ban được 1 năm, khi được hỏi về khó khăn, cô giáo trẻ H’Ni Hwing cho biết cô dạy ở đây cũng đã quen rồi và cô không sợ khổ. Điều cô mong muốn là ở điểm trường là có được sóng điện thoại để có thể liên lạc với gia đình.

Cô giáo H'Ni bên các học trò nhỏ.

“Sóng điện thoại ở đây rất chập chờn, hôm gọi được hôm thì mất sóng hoàn toàn. Hôm mưa bão ở trường mà lòng tôi lo lắm muốn điện thoại về cho gia đình xem ra sao nhưng không được, lòng cứ nơm nớp lo lắng”, cô H’Ni kể.

Ở điểm trường, các em học sinh rất khó khăn nên đầu năm học các thầy cô phải đến tận nhà năn nỉ cho các em đi học. Thậm chí nhiều hôm các cô còn phải ngồi lì hàng giờ đồng hồ để phân tích thì phụ huynh mới đồng ý cho các bé đến trường.

Các cô giáo ở trong căn nhà gỗ tạm bợ, thiếu thốn.

“Các em đi học đứa không có cặp, đứa chẳng có dép, có đứa chiếc áo chẳng lành lặn nên các thầy cô kêu gọi được những đoàn thiện nguyện đến với trường, chia sẻ cho các em là điều thầy cô đều mong muốn”, cô Ni kể.

Thầy Trương Xuân Liên - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng cho biết: Các giáo viên ở điểm trường rất nhiệt tình, hăng say, yêu nghề dù có rất nhiều khó khăn nhưng vẫn bám trụ với các em. Điểm trường có một thầy người đồng bào Mông và hai cô giáo.

Các học sinh lâu lắm mới có quần áo mới.

“Điểm trường hiện còn thiếu hai phòng học, nhà công vụ của giáo viên cũng chưa có nên các cô giáo phải ở trong điều kiện thiếu thốn. Những ngày trời mưa bão, nước dâng lên suối chia cắt toàn thôn, các giáo viên cũng không về được dù rất nhớ gia đình. Nhà trường rất chia sẻ và luôn động viên các thầy cô công tác tốt giúp cho các em vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập”, thầy Liên nói thêm.