Trong bão lụt có những trang sách học trò không bị ướt

Cẩm Anh 21/11/2020 10:00

Hoàn toàn có giải pháp để những trang sách học trò không bị ướt mỗi mùa lũ về nếu chúng ta có chiến lược đầu tư những giải pháp căn cơ để ứng phó và sống chung với bão lụt và sạt lở đất.

Học sinh Trường THCS Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An) đem sách vở, bút đến trường để gửi tặng bạn bè vùng lũ.

G. thân mến!

Những ngày này chúng ta có lẽ đều nghĩ về con đường tới trường của học sinh miền Trung, khi bão đã qua lũ đã rút. Đường tới trường của các em vẫn còn lem bùn đất. Có những trang sách có thể đã ướt rồi. Tôi biết có nhiều cá nhân, tổ chức đang hoặc lặng lẽ hoặc rầm rộ triển khai các chương trình hoạt động từ thiện tặng sách, tặng bút cho các trường học vùng lũ. Hôm trước một tổ chức quỹ xã hội đã trao đổi với chúng tôi về việc này và họ nói rằng khi cho người đi khảo sát trực tiếp ở một số trường tiểu học ở Quảng Bình thì có có những trường nhu cầu sách vở của các em đã đủ, xin từ chối không nhận nữa. Để thấy nguồn lực xã hội khi cần chung tay là rất lớn, chỉ cần được huy động vào những thời điểm cần thiết là đủ sức để thực hiện các chương trình an sinh.

G. thân!

Mới đây khi báo Đại Đoàn kết thực hiện cuộc tọa đàm “Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?” chúng tôi vừa cảm động vừa day dứt với câu nói của ông Nguyễn Thế Hoàn – Bí thư Huyện ủy Lộc Hà (Hà Tĩnh) rằng trận lũ vừa rồi, Lộc Hà nhờ chủ động ứng phó di dân sớm mà cả đợt lũ không có một trang sách học trò nào bị ướt. Nghĩa là hoàn toàn có giải pháp để những trang sách học trò không bị ướt mỗi mùa lũ về nếu chúng ta có chiến lược đầu tư những giải pháp căn cơ để ứng phó và sống chung với bão lụt và sạt lở đất.

Các nhà khoa học nói với chúng tôi rằng họ có thể lập được bản đồ cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, tất nhiên các bản đồ này phải được cập nhật bổ sung thay đổi thường xuyên sau mỗi mùa mưa bão. Có nghĩa là nếu được đầu tư thì chúng ta lập được bản đồ cảnh báo, từ đó mà hoạch định chính sách cho dân cư, có chiến lược di dân đến sinh sống ở những khu vực an toàn. Nhiều người bảo rằng thiếu kinh phí để di rời những bản làng khỏi khu vực nguy hiểm, nhưng chúng ta nhìn thử vào một mùa bão lũ năm nay thôi sẽ thấy sức lực và vật chất mà chúng ta phải dồn vào để cứu trợ tốn kém không biết bao nhiêu mà kể, chưa kể là sinh mạng đồng bào chiến sĩ trong mùa lũ lụt vừa rồi thì không có giá nào đếm được.

Xây nhà vượt lũ, lập bản đồ cảnh báo sạt lở để di rời bản làng, chúng ta có thể làm được. Cần một chiến lược mang tầm quốc gia, mà nguồn lực có thể huy động từ xã hội.

Khi nghĩ về con đường đến trường của trẻ em vùng lũ lụt sau mỗi trận mưa bão, sạt lở kinh hoàng, tôi nghĩ về những trang sách học trò không bị ướt. Người lớn phải đặt ra trách nhiệm để những trang sách học trò không bị ướt, chứ không phải là việc đi tặng sách bút cho các em sau mỗi mùa bão lụt mà sách vở các em đã bị cuốn trôi.

G. thân mến!

Hôm qua lớp mình hợp lớp, rất vui, chỉ thiếu có vài người trong đó có G. Và chúng mình trong lúc nói chuyện đã nhắc nhiều tới bạn. Kỷ niệm với bất kỳ ai cũng cần, nếu không thì lòng mình trống hơ trống hoác, nên dễ hiểu vì sao mọi người hay bám vào kỷ niệm, như là một phần tâm hồn, để cuộc sống đỡ bơ vơ.

Chả cứ lớp mình, mùa này, cữ này trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh họp lớp, nhiều như ảnh chụp thiếu nữ với… cúc họa mi.

Căn cứ vào những status trên các trang cá nhân, thì có thể thấy cảm xúc chung nhất là rưng rưng trở về trường cũ. Rưng rưng gặp thầy cô giáo cũ. Và nhiều cảm động hơn, có lẽ thế, là cái cảm giác gặp lại bạn cũ, nhất là với những người đã từng “người ấy ở chung bàn chung giọt nắng”.

Nhưng mà chỉ nguyên cái việc họp lớp, cũng lắm thế thái nhân tình, mà đôi khi những bức ảnh họp lớp tưng bừng trên mạng xã hội lại không phản ánh hết được. Ấy là phải hôm nào đó trong tâm trạng café chém gió, người ta mới nói thật với nhau ở bên ngoài. Kiểu như phàn nàn các bạn gái già quá hoặc các bạn trai nhìn quá nhầu nhĩ, đứa này giống như chưa trưởng thành, đứa kia tính khí hệt như hồi trẻ trâu… Rồi nghe bảo còn có việc gặp lại nhau, có những người còn nảy sinh tình cảm, chắc cho đỡ ân hận vì cái việc đáng lẽ phải làm từ nhiều năm trước…

Có một trời kỷ niệm hay được người ta nhắc tới, và dù vui hay buồn, kỷ niệm luôn là thứ được cho là đẹp. Ví như có thể hoan hỉ nghĩ tới lần bị thầy giáo dùng thước đánh, dù là trong hiện tại nghĩ tới việc con cái ở trường bị thầy cô đánh là lòng người ta đã tức giận sôi lên. Nghĩa là quá khứ mà, việc gì cũng có thể thể tất được. Và lòng người mà, hay vịn vào quá khứ, hay nghĩ rằng cái gì là kỷ niệm, là ngày xưa cũng đều đẹp đẽ.

Trong khi hiện tại mới là điều đáng kể, nhưng suy cho cũng vẫn phải dành một phần hồn cho kỷ niệm, cho quá khứ. Và thật hay khi người ta nghĩ về quá khứ bao giờ cũng mỉm cười, dù có thể đó là những kỷ niệm chưa chắc đã là đẹp đẽ.

G. ơi!

Lớp mình có nhiều bạn là cô giáo, khi chúng mình ôn lại chuyện cũ rằng ngày xưa có một lần các bạn trai ở lớp vì một nghịch dại mà bị thầy giáo bắt đứng xếp hàng để thầy đánh (rất đau) thì các cô giáo bạn của chúng mình đều thốt lên nếu bây giờ các cô làm thế thì bị đuổi ra khỏi ngành rồi. Còn như mình vừa nói, các bạn trai lớp mình giờ đã là những người đàn ông trung niên thì mỉm cười khi nghĩ về kỷ niệm cũ. Quan niệm về giáo dục đã thay đổi theo thời gian, có lẽ là tiệm cận với những ứng xử văn minh hơn. Nhưng các cô giáo bạn chúng mình cũng có nhiều nỗi niềm tâm sự lắm, họ nói rằng làm giáo dục thời nay khó hơn nhiều. Khó khăn lớn nhất với họ là bị mạng xã hội sẵn sàng soi mói và tấn công. Ai đời phụ huynh thời nay xông cả vào bục giảng.

Tôi chia sẻ những nỗi niềm tâm sự của họ, áp lực của những người làm giáo dục thời công nghệ. Và nhân cách những đứa trẻ được hình thành bằng cách tấn công thầy cô từ mạng xã hội chắc không làm chúng nguyên vẹn được. Các phụ huynh quên mất việc hàng ngày chia tay con ở cổng trường và buổi chiều khi gặp lại thì hỏi hôm nay con có vui không, mà họ còn muốn nhòm ngó cả chuyện ở lớp học, cả câu chuyện giữa thầy cô và học sinh, và muốn ở đó mọi việc phải diễn ra theo ý họ. Thật sự tôi không lo câu chuyện sách giáo khoa viết gì, tôi lo giáo dục sẽ thế nào nếu phụ huynh quên mất cả việc họ chỉ nên làm gì và không nên làm gì.

G. quí mến!

Bức thư này chúng ta nói nhiều về giáo dục, trong một ngày cận kề Ngày Nhà giáo Việt Nam. Giữa những ngày này người lớn hay đi họp lớp, nói cười vui vẻ với những kỷ niệm ngày xưa, mỉm cười nhắc đến những nghịch ngợm tuổi học trò và sự bao dung của thầy cô giáo, mà cũng bao dung khi nhìn lại những ứng xử nghiêm khắc của thầy cô với mình. Họp lớp xong thì mỗi người có bao giờ liên hệ với câu chuyện của con cái ở lớp ở trường hôm nay không, có bao dung khi nghĩ đến thầy cô giáo của con mình không nhỉ? Hay họp lớp cũng giống một thứ trend, chỉ để khoe ảnh trên facebook?

Con đường đến trường hôm nay khác với đường đến trường ngày xưa. Đường đến trường của trẻ con thành phố cũng khác với đường đến trường của trẻ con miền Trung sau lũ.

Có những trang sách học trò vùng lũ bị cuốn trôi, nhưng cũng có những trang sách không bị ướt!

Chào G. nhé!

Hẹn gặp ở thư sau!

Cẩm Anh