Sức mạnh yêu thương đè cơn lũ dữ
Truyền thống tốt đẹp hàng nghìn đời nay của dân tộc Việt Nam là mỗi khi “nước sôi lửa bỏng” thì mọi người trong xã hội lại đoàn kết thành một khối, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Điều đó giải thích vì sao những ngày qua, người dân miền Trung có thể bình tĩnh đối mặt với trận đại hồng thủy hết sức hung hãn. Lòng tốt, sự yêu thương chính là sức mạnh đè cơn lũ dữ.
Hy sinh vì cộng đồng
Gần một tháng qua, mảnh đất miền Trung đã phải hứng chịu liên tiếp các cơn bão, lũ có sức tàn phá ghê gớm, khiến nhiều nhà cửa bị tốc mái, đổ sập, nhiều hoa màu, tài sản bị cuốn trôi, hàng trăm người thiệt mạng. Dù đối mặt với hiểm nguy nhưng người dân miền Trung không hề run sợ, không chịu khuất phục, vẫn cứng cỏi, hiên ngang nắm tay nhau đứng vững trước sự cuồng nộ của thiên nhiên. Trước thiên tai, địch họa, mỗi người dân Việt Nam luôn anh dũng, quật cường, đoàn kết, đồng cam cộng khổ cùng nhau vượt qua gian khó, nguy nan.
Điều đó đã được chứng minh một cách sống động bằng hình ảnh đẹp, từ việc có người đã chèo thuyền cứu hàng trăm người bị lũ cuốn trôi, đến việc nhường cơm sẻ áo trong những vùng bị chia cắt, cô lập. Có thể đơn cử ngay như trường hợp của anh Lê Văn Thành ở thôn Trần Phú (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã liều mình cứu được 300 người đang gặp nguy hiểm đến tính mạng trong dòng nước xiết. Vì thế anh Thành được mọi người tôn xưng là “người hùng chân đất”. Riêng với anh, việc cứu người không phải để được biết ơn hay ngợi ca, chỉ đơn giản là không thể khoanh tay đứng nhìn đồng bào gặp nạn.
Anh kể, hôm ấy (19/10) mưa như trút cả ngày, nước lên nhanh, anh lái chiếc thuyền nhôm đưa con trai và người bố bị bại liệt ra trụ sở UBND xã Cẩm Duệ sơ tán. Trên đường về nhà, anh nghe tiếng gào thét kêu cứu phát ra từ các ngôi nhà bị ngập sâu chỉ còn thấy nóc. Không chút đắn đo suy nghĩ, anh Thành cùng em trai (anh Lê Văn Công) và một số người khác gấp gáp hướng thuyền về phía những căn nhà đã bị ngập sâu trong nước, lần mò tìm kiếm những người gặp nạn giữa biển nước tối đen như mực. Với sự cố gắng nỗ lực, trong tối 19/10, nhóm của anh Thành đã cứu được khoảng 200 người, tới những ngày sau, các anh cứu được hơn 100 người nữa. Thật đáng khâm phục!
Hay như trường hợp của vợ chồng anh Hồ Văn Luông và chị Hồ Thị Phiêu đã đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích gia đình. Nhà anh chị cũng nằm trong vùng bị nước lũ cô lập tại xã Phước Thành (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Song, thay vì ở nhà đi gùi hàng cứu trợ về cho gia đình, anh Luông lại đi cứu giúp những bà con gặp khó khăn hơn. Cạn lương thực thực phẩm, dù đang mang thai 4 tháng, chị Phiêu vẫn dũng cảm băng hơn 20km đường rừng trong 8 tiếng đồng hồ để lấy hàng cứu trợ về nhà. Vì thế, chị bị động thai và không giữ được đứa con trong bụng. Mặc dù phải chịu đựng nỗi đau đến xé lòng, anh chị vẫn không một lời oán than trách móc.
Nhường cơm, sẻ áo
Với tinh thần tương thân tương ái, lá rách ít đùm lá rách nhiều, người dân miền Trung trong trận đại hồng thủy bị cô lập với bên ngoài đã sẵn sàng nhường nhau từng hạt gạo, manh áo để giúp nhau ấm lòng vượt qua khó khăn trước mắt. Có những điểm cô lập ở huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), những gia đình có nhà cao tầng đã không ngần ngại mời bà con tới tránh cơn lũ dữ, hình thành những điểm tập trung khoảng 20-30 người. Cũng chính vì tập trung đông người nên lương thực, nước uống nhanh chóng cạn kiệt, chăn màn, quần áo không đủ khiến nhiều người bị đói, rét trong khi lực lượng cứu hộ cứu nạn và các đoàn cứu trợ, thiện nguyện chưa thể tiếp cận.
Trước nỗi đau mất mát về người và tài sản của khúc ruột miền Trung, người dân cả nước đã tự nguyện quyên góp tiền và nhiều hiện vật là áo phao cứu sinh, lương thực thực phẩm, chăn màn... để chia sẻ khó khăn hoạn nạn với đồng bào trong cơn bão lũ. Ở nhiều địa phương, người dân đã thức trắng đêm gói bánh chưng để kịp thời tiếp tế cho bà con vùng lũ đang phải chịu đói khát vì nước lũ. Hàng tấn lương thực thực phẩm, hàng nghìn chai nước uống đã được chuyển đến miền Trung để kịp thời phân phát cho người dân giúp họ chống chọi với bão lũ. Truyền thống tốt đẹp thương người như thể thương thân một lần nữa lại sáng bừng lên trong đêm đen thảm họa thiên tai.
Có nhiều cá nhân, tổ chức không quản ngại khó khăn vất vả, lặn lội tới tận miền Trung đang phải gồng mình trong bão lũ để cứu trợ. Làm sao có thể không ghi nhận những tấm lòng không chỉ sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, mà còn bất chấp nguy hiểm tính mạng để thực hiện thiện tâm, giúp đỡ đồng bào trong gian khó? Nếu không có sự nhân hậu, ai có thể chấp nhận lao vào nơi dầu sôi lửa bỏng để chịu đựng cực nhọc, thậm chí có thể mất mạng bất cứ lúc nào? Điều đó không chỉ thể hiện sự nhân văn, mà còn sáng ngời tinh thần hy sinh mình vì mọi người, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi. Chính vì thế đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào miền Trung vượt qua lũ dữ.
Mỗi người trong số họ dù ít dù nhiều đã gửi gắm tình cảm tới đồng bào miền Trung bằng tiền, hiện vật đóng góp thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ các cấp ở địa phương. Chẳng thế mà chỉ trong một thời gian ngắn sau lời phát động ủng hộ đồng bào bị bão lụt, hàng trăm tỷ đồng, hàng tấn hiện vật là lương thực đã được quyên góp để kịp thời phân phát tới tận tay những nạn dân đang vật lộn trong bão lũ.
Sáng ngời nhân cách
Dù phải gồng mình chống lại thảm họa thiên tai, dù đang chịu đựng đói, rét, nhưng đồng bào miền Trung không vì thế mà đánh mất tự trọng. Nhiều người sau khi nhận đồ cứu trợ, phát hiện tiền, vàng bị bỏ quên trong quần áo đã không ngần ngại trả lại chủ nhân của nó. Đang lúc khó khăn thì tiền, vàng có thể giải quyết được rất nhiều việc, vì sao người dân miền Trung lại không “tiện tay đút túi”? Đơn giản đó là nhân cách, một nhân cách sáng ngời hết sức đáng quý, đáng trân trọng. Trong cơn nguy khốn, đến hạt gạo, manh áo, tấm chăn người dân miền Trung còn có thể chia sẻ cho nhau được, thì làm sao có thể nổi lòng tham với những tài sản không phải của mình?
Nói có sách, mách có chứng. Một người đàn ông người Vân Kiều ở thôn Loa (xã Ba tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) sau khi nhận quần áo cứu trợ, phát hiện số tiền 10 triệu đồng của ai đó bỏ quên, lập tức mang tới giao nộp cho UBND xã để trả lại cho người mất. Không cần đắn đo suy nghĩ, sẵng sàng trả lại số tiền lớn, trong khi hoàn cảnh gia đình còn vô cùng khó khăn, ông Ăm Diệu đã cho mọi người thấy khí chất khảng khái của người dân nghèo không tham tiền bạc. Thử hỏi trong xã hội ngày nay, dù hoàn cảnh không hề khó khăn, dù không phải vật lộn với bão lũ, mấy ai đã có được sự trung thực đáng quý đó? Ông Ăm Diệu đã thực hiện đúng lời dạy của cổ nhân: Đói cho sạch, rách cho thơm.
Thật mừng là không chỉ có ông Ăm Diệu khảng khái trả lại tiền cho người đã mất. Một người dân ở xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cũng đã vô tư trả lại 2 chỉ vàng bị bỏ quên trong quần áo cứu trợ. Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, gia đình anh Đào Xuân Minh (ở thôn Mỹ Trung) bị nước tràn vào nhà, ngập hơn 1m, nhiều tài sản hư hỏng nên được các đoàn thiện nguyện hỗ trợ, trong đó có quần áo cũ. Khi lấy đồ ra dùng, anh Minh phát hiện trong túi áo khoác và mũ sơ sinh có 2 chỉ vàng đựng trong hộp. Ngay lập tức, anh đã báo với chính quyền địa phương để tìm chủ nhân của 2 chỉ vàng trên.
Còn rất nhiều tấm gương sáng như trường hợp của ông Ăm Diệu và anh Đào Xuân Minh mà chúng ta chưa thể biết hết. Song, từ hai trường hợp trên cũng đủ thấy tấm lòng, sự trung thực, nhân hậu của người dân vùng lũ. Trong hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bão lũ, việc ông Ăm Diệu và anh Đào Xuân Minh sẵn sàng trả lại tiền, vàng cho khổ chủ đã thể hiện nhân cách sáng ngời, xứng đáng được tôn vinh, kính trọng. Thông thường, khi đối mặt với tiền tài, vật chất, người ta khó có thể cưỡng lại được lòng tham. Ấy vậy mà vẫn có những con người không ham của lạ, vô tư trong sáng đến ngỡ ngàng. Nhân cách của những con người đó thật đáng kính phục, nể trọng!