Thiếu sót lần này, rút kinh nghiệm cho lần sau
Họa sĩ Trần Ngọc Bảy hiện đang sống và làm việc ở TP Huế. Khi nhà ba mẹ và các chị ngập sâu 3 mét trong vùng rốn lũ Quảng Bình, anh trở về quê, vừa giúp đỡ gia đình, vừa giúp công sức vào việc cứu trợ đồng bào quê hương cũng như miền Trung.
“Tôi nghĩ, trong hoạn nạn thì sinh mạng nào cũng cần được giúp đỡ, nếu tôi chỉ nghĩ tới gia đình mình thôi thì làm sao mà mở lòng ra để nhận tình cảm của mọi người được”, họa sĩ Trần Ngọc Bảy chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình không khá giả, sau khi tốt nghiệp Đại học, Bảy phải sống tự lập bươn chải, cũng trải qua nhiều sóng gió. Nhưng dẫu vẫn phải lo cơm ăn, áo mặc hàng ngày để theo đuổi con đường nghệ thuật thì anh vẫn luôn giành thời gian cho công việc thiện nguyện.
“Khi nói về việc mình đang khó khăn mà còn dành thời gian cho việc thiện nguyện thì thực ra cũng đơn giản lắm. Tôi làm theo cái tâm của mình. Khi đồng bào mình lâm vào hoàn cảnh khốn khó, bên trong thôi thúc tôi cần làm gì đó, một cách thành tâm, chia sẻ, giúp đỡ, cho đi… Khi mình còn khó khăn thì giúp được bao nhiêu trong tầm tay thì làm. Một nắm cơm một gói mì có khi cứu được một sinh mệnh trong lúc ngặt nghèo. Với tôi, không cần phải đợi đến khi có điều kiện sung túc mới biết chia sẻ, mới biết cho đi mà cứ theo sức, theo tâm mình mà làm thôi.”
Không chỉ những khi có biến cố thiên tai, trong cuộc sống hàng ngày, họa sĩ Trần Ngọc Bảy vẫn chia sẻ đến những hoàn cảnh khó khăn hơn từ việc bán tác phẩm của mình. Việc giúp đỡ mọi người mang đến cho anh niềm vui: “Là họa sĩ, tranh chính là tài sản, là vật chất và cả tinh thần. Mỗi khi muốn giúp đỡ cho ai đó, tôi sẵn lòng bán tranh của mình, kể cả giá rẻ, miễn sao có được tài chính để kịp thời lo cho họ”.
Thay vì kêu gọi bạn bè hay cộng đồng cùng chung sức, Trần Ngọc Bảy chọn cách tự lo tài chính và kết nối thẳng với người mà anh cần giúp đỡ. Anh muốn làm hết sức mình với những gì anh đang có. Đồng thời, Bảy cũng cho rằng anh không phải là một nhà thiện nguyện có tính chuyên nghiệp, cũng không có tổ chức. Vì thế việc độc lập trong mỗi hành trình thiện nguyện sẽ giúp anh chủ động trong mọi tình huống: “Thật ra, tôi cũng muốn được mọi người hỗ trợ chung tay tài chính lắm vì mục tiêu cuối cùng là mang tới điều tốt nhất và kịp thời đến tay bà con đang cần sự chia sẻ, cứu trợ! Nhưng sử dụng tiền đóng góp từ người khác thì không hề đơn giản như chỉ cần cái tâm là đủ”.
Trận lũ vừa qua tại Quảng Bình, có những vùng sâu vùng xa, phải di chuyển bằng nhiều phương tiện mới có thể đến được. Bảy cùng các bạn ban đầu đi bằng ô tô, sau đó phải vác hàng cứu trợ đi bộ mấy cây số qua đồi cát trong đêm vì đường ngập không thể qua, để đến được nhà dân đang ngập sâu thì di chuyển bằng thuyền. Dù mệt, nhưng tất cả đều thấy vui vì hàng đến kịp thời để trợ giúp bà con.
Rút ra từ kinh nghiệm khi làm từ thiện, theo Trần Ngọc Bảy, phải xác định rõ mục tiêu được thiện nguyện, họ là ai, ở đâu, đang cần cụ thể những gì, sau đó phải tìm hiểu nơi cần đến, lên kế hoạch chi tiết cho tất cả công việc cần làm, cũng như phương tiện di chuyển ra sao: “Khi chuẩn bị trước chu đáo, mọi tiến trình sẽ diễn ra một cách thuận lợi và kịp thời đưa được hàng hóa đến nơi đang cần giúp đỡ nhanh nhất và an toàn! Đặc biệt chúng ta nên tỉnh táo và tránh làm theo cảm xúc. Và trên hết là phải giữ cho bản thân được an toàn để việc thiện nguyện diễn ra suôn sẻ.
Với anh Bảy, để tìm hiểu người dân cần giúp gì, anh dựa vào mạng xã hội, báo điện tử cũng như tìm hiểu thông tin nhanh về hoàn cảnh hiện tại, đường đi, nhu cầu từ chính người dân địa phương đó, nhờ người tiền trạm trước. Điều này giúp nó cho Bảy được thuận lợi trong quá trình di chuyển cũng như chuẩn bị những thứ cần mang đến với người dân một cách nhanh gọn, hiệu quả.
Trong đợt bão lũ vừa qua, nhiều nhóm hội đã tới miền Trung với lòng nhiệt huyết nhưng lại thiếu sự tìm hiểu về nơi mà họ đến, dẫn tới nhiều hàng cứu trợ đã không được sử dụng hoặc bị huỷ bỏ. Là người của vùng lũ miền Trung, họa sĩ Trần Ngọc Bảy chia sẻ về sự cảm kích và biết ơn tinh thần tương thân tương ái của đồng bào cả nước đã nhiệt huyết chia sẻ kịp thời! Nhưng cũng chính vì sốt ruột lo cho đồng bào, nên đoàn ở xa đã gấp rút chuẩn bị hàng hóa, thuê xe, lên đường mà chưa kịp tìm hiểu kĩ về địa phương mà mình muốn tới dẫn đến việc hàng hóa không được dùng, thực phẩm do di chuyển xa nên bị hỏng mà phải bỏ đi. Hàng hóa cứu trợ có một số không tới được nơi cần nhất. Chỗ thì được nhận nhiều, nơi thì không có nên xảy ra tình trạng “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Cũng có một số đoàn đến nơi, do không hiểu rõ địa hình khu vực đến cứu trợ đâm ra lúng túng, phát đại hàng hóa rồi về! Theo các đoàn nên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có được sự giúp đỡ, việc từ thiện sẽ đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên những gì đề cập trên chỉ chiếm số lượng nhỏ và không đáng kể: “Theo quan sát của tôi, đa số các đoàn hay cá nhân đi từ thiện đều biết mình cần làm gì và đến đâu! Tôi nghĩ sự thiếu sót trong việc từ thiện cũng là để rút kinh nghiệm cho những lần sau”.