Cải thiện thực chất chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tỉnh Quảng Ninh đưa ra là tiếp tục cải thiện thực chất các thành phần trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Tận dụng dư địa phát triển
Năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp Quảng Ninh bảo vệ thành công ngôi vị quán quân PCI với 73,4 điểm, tăng 3,04 điểm so với năm 2018 và đạt điểm số cao nhất từ trước đến nay. Theo phân tích của các chuyên gia khi thực hiện khảo sát PCI năm 2019, cơ bản các chỉ số thành phần trong chỉ số PCI của tỉnh Quảng Ninh đều có sự cải thiện rõ nét.
Trong đó đáng chú ý là có 8/10 chỉ số thành phần tiếp tục được nâng cao. Có 82% doanh nghiệp cho biết vướng mắc, khó khăn được tháo gỡ kịp thời và 93% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi, cách giải quyết của các cơ quan chính quyền tỉnh. Có 76% doanh nghiệp đánh giá thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định, 82% doanh nghiệp cho biết cán bộ thân thiện trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp và 87% doanh nghiệp đánh giá cán bộ giải quyết công việc hiệu quả.
Đặc biệt là có đến 89% doanh nghiệp đánh giá “UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi truờng kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân” (tăng 5% so với năm 2018) và 82% doanh nghiệp nhận định “UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh” (tăng 10% so với năm 2018).
Điều đó có thể thấy chất lượng cải thiện các chỉ số thành phần PCI của tỉnh Quảng Ninh đã có sự tăng trưởng vững chắc, thực chất trong những năm qua. Điều này khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn nỗ lực không ngừng để cải thiện thực chất, hiệu quả chỉ số PCI.
Trong một hội thảo gần đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét: Theo kết quả PCI năm 2019 Quảng Ninh đứng đầu với tổng điểm cao, tuy nhiên trong thang điểm 100 thì dư địa để phát triển vẫn còn nhiều đòi hỏi tỉnh cần tiếp tục triển khai những giải pháp, cách làm mới và hiệu quả hơn nữa.
Chú trọng chất lượng các chỉ số
Để đảm bảo các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI tiếp tục đi vào thực chất, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có những giải pháp quyết liệt như phân công rõ các sở, ngành, địa phương trong việc chịu trách nhiệm đối với từng chỉ số thành phần của PCI, nhất là các cơ quan có các chỉ số thành phần cần tập trung cải thiện nhanh như: Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm nâng cao chỉ số về chi phí gia nhập thị trường, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về chỉ số tiếp cận đất đai, Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm về chỉ số chi phí không chính thức…
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng thường xuyên triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 thì các hoạt động càng được tăng cường, giải quyết nhanh, đem lại hiệu quả thực tế. Tỉnh Quảng Ninh cũng đưa vào tiêu chí thường xuyên đánh giá định kỳ, hàng năm ở từng cấp việc lấy kết quả công việc, lấy sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ tổ chức và đội ngũ cán bộ Đảng viên hàng năm. Công tác xây dựng chính quyền liêm chính, hoạt động hiệu lực hiệu quả, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp luôn được tỉnh Quảng Ninh thường xuyên quan tâm.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vị trí nhóm dẫn đầu cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện bền vững chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có 8 chỉ số trong top 5/63 tỉnh, thành phố; 2 chỉ số nằm trong top 10/63 tỉnh, thành phố…
Đặc biệt, trong tầm nhìn dài hạn được đặt ra tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, về các chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh, lần đầu tiên Quảng Ninh đưa ra nội dung: “Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)”.
Qua đó, cho thấy quyết tâm đổi mới không ngừng của tỉnh. Đây chắc chắn là điểm tựa lớn để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm khi gắn bó với Quảng Ninh; cũng là động lực đưa kinh tế Quảng Ninh phát triển bền vững.