Đối ngoại nhân dân ở Điện Biên
Thời gian qua, hệ thống Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã tích cực đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân; góp phần vào kết quả thực hiện nhiệm vụ an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Đó là khẳng định của ông Lò Văn Mừng, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên với báo Đại Đoàn kết.
PV:Đối ngoại nhân dân là một trong những hoạt động trọng tâm trong công tác Mặt trận. Trong những năm qua hệ thống Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã rất chú trọng đến hoạt động này. Vậy công tác đối ngoại nhân dân đang được tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Lò Văn Mừng: Điện Biên là tỉnh biên giới tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Trung Quốc. Do đó công tác đối ngoại nhân dân luôn được hệ thống Mặt trận đặc biệt coi trọng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp và MTTQ đã đẩy mạnh giao lưu, hợp tác song phương ở khu vực biên giới.
Những việc làm đó đã góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, thắt chặt tình hữu nghị đặc biệt của bà con nhân dân hai nước khu vực biên giới. Đoàn kết để cùng nhau xây dựng, gìn giữ hòa bình, hữu nghị khu vực biên giới và đoàn kết để giúp nhau cùng phát triển kinh tế. Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức giao lưu văn hóa các dân tộc của nhân dân khu vực biên giới để bà con cùng cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ.
Điển hình trong năm 2019, tỉnh Điện Biên đã tổ chức đào tạo Tiếng Việt cho 96 lưu học sinh Lào; cử 10 cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh tham gia đào tạo tiếng Lào giai đoạn 2 tại tỉnh Luông Phabang; hỗ trợ 3 tỉnh Bắc Lào triển khai các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi và thủy sản; hỗ trợ tham quan, học tập các mô hình sản xuất, nông lâm và tập huấn nâng cao năng lực tại Điện Biên.
Ngoài ra tỉnh Điện Biên còn phối hợp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức trao đổi, thăm thân hữu nghị, trao đổi kinh nghiệm trên một số lĩnh vực cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thị trường, hợp tác đầu tư với nhau.
Ông có thể chia sẻ những thuận lợi trong công tác đối ngoại nhân dân đang được triển khai trên địa bàn tỉnh?
- Đối ngoại nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam. Thực hiện quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phối hợp tổ chức tập huấn triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác đối ngoại nhân dân, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong các tổ chức thành viên, hệ thống Mặt trận tỉnh.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, đặc biệt là đảm bảo an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Công tác này được chúng tôi tuyên truyền vào những vấn đề cụ thể như: Vận động cư dân khu vực biên giới thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, đấu tranh, tố giác tội phạm…
Trong những thành công đó, vai trò của cán bộ Mặt trận cơ sở là rất quan trọng, thưa ông?
- Đúng vậy, vai trò của cán bộ cơ sở chính là yếu tố quyết định đến thành công của hoạt động này. Khi có chủ trương hướng dẫn thực hiện của MTTQ tỉnh về công tác đối ngoại nhân dân thì các huyện cũng đồng loạt triển khai tới cấp cơ sở.
Đặc biệt cán bộ Mặt trận ở các xã biên giới luôn tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để phối hợp với các đoàn thể làm tốt công tác đối ngoại nhân dân trên địa bàn mà mình quản lý. Với những xã có địa bàn thuận lợi, có đường biên giới qua lại giữa hai bên thì tỉnh, huyện cũng sẽ thường xuyên tổ chức các sự kiện ở khu vực biên giới.
Trước các sự kiện như vậy cán bộ Mặt trận đã luôn vào cuộc tích cực, tạo ra một không gian có sự kết nối đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể - xã hội. Trong đó đặc biệt nhất là cán bộ Mặt trận đã làm rất tốt vai trò đầu mối tuyên truyền về công tác đối ngoại nhân dân để trên cơ sở đó gắn kết bà con khu vực hai bên biên giới đoàn kết, sẻ chia với nhau nhiều hơn.
Trong những sự kiện như vậy, bà con nhân dân khu vực hai bên biên giới còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để giao lưu với các tỉnh bạn cho nên đời sống tinh thần của bà con được nâng lên một bước đáng kể; từ đó tạo động lực phát triển kinh tế khu vực hai bên.
Nhìn từ thực tiễn hoạt động trong công tác đối ngoại nhân dân, để tiếp tục đạt được kết quả nhiều hơn nữa, trong thời gian tới, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh những hoạt động gì, thưa ông?
- Công tác đối ngoại nhân dân ở trong giai đoạn nào cũng rất quan trọng. Giai đoạn hiện nay, chúng tôi mới chủ yếu tập trung hoạt động với các tỉnh Bắc Lào như: Tổ chức ký kết các biên bản ghi nhớ về các nội dung hợp tác trao đổi thường xuyên; 5 nội dung về công tác Mặt trận… nhưng vẫn còn rất nhiều hoạt động khác chúng tôi mới ấp ủ nhưng chưa thực hiện được.
Hiện tại thì cứ 2 năm một lần hai bên sẽ tổ chức các chương trình hợp tác. Việc tổ chức này sẽ được tổ chức luân phiên giữa hai nước. Việc tổ chức luân phiên như vậy đã tạo điều kiện đẩy mạnh các nội dung cần thực hiện và sau đó xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo. Trong các chuyến thăm và trao đổi như vậy cũng thể hiện được tình đoàn kết, tình hữu nghị giữa nhân dân hai bên khu vực biên giới.
Đặc biệt đây cũng là dịp để nhân dân khu vực biên giới thăm thân, giao lưu trong các hoạt động chung. Việc làm này đã tạo ra tình hữu nghị giữa Việt Nam với nước bạn bằng nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó có giao lưu cấp cao giữa Đảng, Nhà nước; giao lưu cấp cao của chính quyền, của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh. Trong các hoạt động giao lưu đó, các bên luôn coi nhau như người nhà, thể hiện tình đoàn kết thắm thiết, tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới. Sự đoàn kết, gắn bó keo sơn đó đã được khẳng định qua rất nhiều năm, qua rất nhiều nhiệm kỳ.