Công trình đặc biệt có tên là Cồ Đàm mang phong cách kiến trúc Chăm Pa độc đáo nằm trên phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Tổng diện tích công trình là 680m2 bao gồm 4 tầng. Nơi đây trước kia là căn biệt thự cổ mang phong cách kiến trúc Pháp đã được chủ nhân và kiến trúc sư thay đổi với mong muốn mang đến một không gian kiến trúc pha trộn giữa sự huyền bí của văn hóa Chăm Pa và sự yên tĩnh tuyệt đối của Phật Giáo. Cổng chào mô phỏng mô típ cổng vào của những ngôi đền đặc trưng của người Chăm. Tạo hình mái chóp là một phần cách điệu nhỏ của cánh hoa sen có chiều cao 4,5m. Với thiết kế dạng vòm cuốn tạo hiệu ứng thị giác độc đáo. Hình thức mái vòm sẽ xuyên suốt vào bên trong tạo cho người nhìn cảm nhận được sự thống nhất về không gian. Để làm được những mái vòm này, đội thiết kế và thi công phải tạo hệ khung sắt, người thợ xây thủ công xây dựng những viên gạch trên các khung xương, khung dưỡng đó. Điều đặc biệt nằm ở sự mộc mạc của sắc đỏ từ gạch nung chính là chất liệu chủ đạo tạo nên các hệ vòm ấn tượng. Gạch đỏ có nguồn gốc của Ninh Thuận – nơi ở và sinh sống của rất nhiều người Chăm. Khi nung lên ở nhiệt độ nhất định, gạch có màu đỏ tươi, rất phù hợp để sử dụng cho công trình mang yếu tố mộc và thô. Mọi chất liệu đất nung từ hoa văn cổ đến các bức phù điêu đều được đặt làm bởi những nghệ nhân đến từ Ninh Thuận để đảm bảo giữ nguyên vẹn hơi thở của một nền văn hóa đặc trưng. Ánh sáng không gian bên trong được thiết kế ở mức tối nhất có thể, chỉ dùng ánh sáng tự nhiên và nến để thắp sáng. Việc thi công gặp nhiều khó khăn là do được cải tạo trên nền một căn biệt thự cũ. Thiết kế cũ có sự chắp vá thêm hệ sàn thép nhằm tăng diện tích sử dụng, chủ nhà cho thuê không đồng ý việc bỏ hẳn hệ thống sàn thép này. Do đó, kiến trúc sư đã chọn phương án “cắt ghép – cân chỉnh” để xử lý tình huống trên. Tổng thể không gian kiến trúc là sự pha trộn giữa huyền bí của văn hóa Chăm Pa và sự yên tĩnh tuyệt đối của Phật Giáo. Văn minh Chăm Pa từng là một trong những nền văn minh phát triển rực rỡ bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Từ sau thế kỷ XI, văn hóa Phật giáo ở giai đoạn phát triển cực thịnh kết hợp với nền văn hóa bản địa tạo nên một diện mạo văn hóa Chăm Pa đặc sắc và đầy sức sống. Thời gian thiết kế và thi công dự án kéo dài hơn 1 năm với tổng chi phí là gần 10 tỷ đồng.