Người Mặt trận trong xây dựng nông thôn mới
Giám sát, phản biện xã hội là công việc quan trọng của MTTQ các cấp. Đối với Hà Tĩnh, những năm qua công việc ấy được MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp thực hiện đạt hiệu quả cao, nhất là với việc giám sát xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Hoàng Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, Hà Tĩnh đạt được nhiều thành quả trong xây dựng nông thôn mới (NTM), được Ban Chỉ đạo Trung ương chọn làm điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM cũng có nhiều bất cập nảy sinh, nhất là trong giai đoạn đầu.
Xuất phát từ thực tiễn của địa phương, MTTQ phối hợp với các tổ chức đoàn thể tỉnh Hà Tĩnh đã lựa chọn 2 vấn đề cốt lõi để giám sát, phản biện. Thứ nhất là giám sát những chính sách đã thực hiện trong xây dựng NTM đồng thời phản biện dự thảo các chính sách đối với việc xây dựng NTM cho giai đoạn tiếp theo. Thứ hai là giám sát việc huy động nguồn lực trong dân để xây dựng NTM.
Bởi suy cho cùng, tất cả các chính sách và việc huy động nguồn lực trong dân đều xuất phát từ thực tiễn đời sống và quay trở lại phục vụ đời sống người dân. Mặt trận là của dân vì thế việc lựa chọn vấn đề giám sát, phản biện cũng phải xuất phát từ nhân dân và phục vụ lợi ích cho nhân dân. Hai vấn đề được lựa chọn giám sát, phản biện này cho thấy Mặt trận Hà Tĩnh đã lựa chọn đúng và trúng.
PV: Cụ thể, MTTQ Hà Tĩnh đã triển khai việc giám sát, phản biện những vấn đề đó như thế nào? Thông qua việc giám sát, phản biện, MTTQ Hà Tĩnh đã tham mưu, kiến nghị, đề xuất Ban Chỉ đạo phong trào xây dựng NTM điều chỉnh những nội dung gì, hiệu quả ra sao, thưa ông?
Ông Hoàng Anh Đức: Trước hết, chúng tôi rà soát kỹ tất cả các chính sách và việc huy động nguồn lực ở các địa phương. Sau đó, các đoàn giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỏa về từng khu dân cư. Chúng tôi “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nắm sâu sát tình hình ở cơ sở, trực tiếp làm việc với người dân, với cán bộ thôn, xóm; cán bộ địa phương ở cấp xã, huyện cũng như Ban Chỉ đạo xây dựng NTM cấp huyện. Đồng thời, thông qua thực tiễn, đoàn giám sát đã so sánh nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước với hiệu quả của các mô hình, phần việc và rút ra được kết quả có tương xứng với nguồn lực đầu tư hay không.
Bằng cách làm này, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã đề xuất gom từ 26 chính sách thành 1 chính sách duy nhất. Căn cứ vào ý kiến góp ý, phản biện của Mặt trận, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng thành nghị quyết khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và cơ chế xây dựng NTM, đô thị văn minh giai đoạn 2019-2020).
Chính sách mới này tập trung hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của địa phương, chẳng hạn như khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, chính sách thúc đẩy phát triển cây, con trọng điểm, chủ lực…Việc tập trung hỗ trợ nguồn lực cho các sản phẩm đầu ra đã khuyến khích, tạo động lực cho người dân thực hiện các mô hình có chủ đích, chủ điểm và mang lại hiệu quả cao.
Đối với vấn đề giám sát huy động nguồn lực trong xây dựng NTM, chúng tôi thực hiện với phương châm là phát huy dân chủ cơ sở, phát huy tinh thần tự nguyện của người dân. Mặt trận đã nhận diện được những tồn tại, bất cập từ việc huy động sức dân và kiến nghị địa phương chấn chỉnh. Từ đó tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư.
Điều này thể hiện rõ rệt trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, đường giao thông nông thôn của Hà Tĩnh phát triển rất mạnh mẽ. Trong vòng 10 năm (2010-2020), toàn tỉnh đã xây dựng được 7.500 km đường giao thông nông thôn, trong đó có hơn 4.500 km đường giao thông được xây dựng từ nguồn xã hội hóa, do Nhân dân tự đóng góp, xây dựng.
Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng của MTTQ ở cơ sở đóng góp như thế nào trong việc giám sát, phản biện phong trào xây dựng NTM, thưa ông?
-Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng là lực lượng hết sức quan trọng, họ là đội ngũ có tính đấu tranh rất cao trong việc phòng chống tham nhũng, lãng phí. Ở khu dân cư, các công trình có chất lượng kém, chưa đúng…đều nhận được thông tin từ Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng.
Các chính sách không phát huy hiệu quả cũng được đội ngũ này tập hợp, phản ánh đến cấp trên, từ đó MTTQ các cấp có cơ sở để chỉ đạo giám sát, phản biện những vấn đề bất cập tồn tại.
Ngoài giám sát, phản biện, MTTQ còn đóng góp những gì cho phong trào xây dựng NTM của tỉnh Hà Tĩnh, thưa ông?
-MTTQ và các tổ chức đoàn thể phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động rất mạnh thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Việc tuyên truyền, vận động của Mặt trận đã làm thay đổi căn bản nhận thức của Nhân dân trong xây dựng NTM, từ bị động sang chủ động, từ phải làm sang muốn làm và trở thành người làm chủ thực sự. Trong xây dựng NTM, tất cả đều do “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và từ đó đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết trong toàn dân, thành quả trong xây dựng NTM là thành quả của Nhân dân.
Mỗi cán bộ Mặt trận trở thành lực lượng tiên phong, gương mẫu trong các phong trào do MTTQ phát động ở cơ sở như hiến đất, hiến cây, thực hiện các mô hình, trở thành điển hình của phong trào xây dựng NTM. MTTQ tỉnh còn trực tiếp đỡ đầu nhiều xã xây dựng NTM.
Thông qua Quỹ Cứu trợ, Quỹ Vì người nghèo, phong trào “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, MTTQ tỉnh đã hỗ trợ, góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí nhà ở, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo ông Hoàng Anh Đức, Hà Tĩnh là địa phương thường xuyên gánh chịu hậu quả từ thiên tai như bão, lũ, trong khi đó, xây dựng NTM phải đảm bảo tính bền vững. Vì thế, đối với các xã khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu phải được hưởng chính sách “nâng đầu, đỡ cuối”. Phải ưu tiên các chương trình, dự án, lồng ghép các chương trình dự án, ưu tiên nguồn lực cho các xã khó khăn. Huy động các nhà hảo tâm, con em xa quê đóng góp hỗ trợ. Tuy nhiên, các xã khó khăn này phải phát huy nội lực Nhân dân phải phát huy cao hơn nữa, không được trông chờ, ỷ lại, xác định rõ phần nào do Nhân dân đóng góp, phần nào Nhà nước hỗ trợ.