Lạng Sơn: Quan tâm đến giáo viên vùng cao
Những năm qua, Lạng Sơn đã dành sự quan tâm đối với giáo viên ở các địa bàn đặc biệt khó khăn với những chế độ, chính sách góp phần cải thiện đời sống của giáo viên. Cùng với đó, nhiều chương trình hỗ trợ, tri ân, tuyên dương các thầy cô giáo cắm bản được tổ chức, góp phần động viên thầy cô gắn bó với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.
Hiện toàn tỉnh có trên 16.300 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó nữ chiếm gần 63%. Không ít thầy cô vẫn thường xuyên vượt núi, băng rừng vận động học sinh đến trường; nhiều cô giáo để lại chồng con tại quê nhà để bám trường, bám lớp, chăm sóc cho các em, nâng niu như con đẻ.
Những cống hiến và cả những thiệt thòi của nhiều thầy cô giáo đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Lạng Sơn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng cao, biên giới. Tuy nhiên, dù đã có những đãi ngộ, song điều kiện làm việc và sinh hoạt của giáo viên vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn.
Còn nhiều điểm trường mùa mưa chỉ có thể đi bộ, hay có điểm phải đi thuyền. Ðịa hình chia cắt, giao thông cách trở cũng ảnh hưởng lớn đến sự giao lưu, học hỏi, trao đổi nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên.
Hiện giáo viên ở các trường vùng khó khăn rất cần được hỗ trợ xây dựng nhà ở tập thể, đầu tư điện, nước sinh hoạt; tăng thời gian nghỉ phép để giúp các thầy cô xa nhà xa có điều kiện gần gũi với gia đình; công tác luân chuyển giáo viên vùng cao về vùng xuôi sau khi hoàn thành nhiệm vụ cần được thực hiện một cách nghiêm túc, công bằng để nhiều thầy cô giáo sau thời gian cắm bản không phải loay hoay tìm đường về xuôi...
Trong điều kiện có thể, cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục cần quan tâm hơn nữa đối với giáo viên vùng cao; xây dựng, ban hành và thực hiện nghiêm, công khai, công bằng chế độ chính sách đối với giáo viên vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.