Thiên tai, trách nhiệm và lương tâm

Nam Việt 24/11/2020 07:30

Những ngày này, xã hội tập trung chú ý vào việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong hai vụ sạt ở đất tại Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam. Đó là sự việc rất đau lòng. Hơn tháng qua ai còn ai mất trong những vụ việc kinh hoàng đó?

Tìm kiếm người gặp nạn trong vụ sạt lở kinh hoàng ở Phước Lộc.

Công việc tìm kiếm được tiến hành khẩn trương nhưng vô cùng gian nan vì rất khó tiếp cận hiện trường xảy ra tai nạn, khi vào được đến nơi thì đất đá vùi lấp, khó xác định được phạm vi tìm kiếm, phương tiện hỗ trợ cũng khó hoạt động trong địa hình vô cùng phức tạp ấy.

Vả lại, thời gian đã trôi qua quá lâu, khiến việc tìm kiếm đã khó lại càng khó thêm.

Vụ thứ nhất là vụ Thủy điện Rào Trăng 3, xảy ra vào ngày 12/10, trong vùng rừng núi xã Xuân Phong, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đã đước triển khai tới hiện trường.

Thật đau lòng là 17 công nhân bị coi là mất tích vào thời điểm đó cần tìm kiếm, thì lại có 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi trên đường vào nơi sạt lở cứu người. Đường rừng nguy hiểm khó đi, muốn vào tới nơi một mặt phải cắt rừng mà đi, một mặt phải cưỡi ca-nô lao trên dòng nước dữ. Trực thăng quân đội cũng đã được huy động để tìm kiếm. Rồi phải nắn cả dòng chảy của sông để đất lộ ra mà tìm kiếm. Thật quá đỗi gian nan.

Cho đến chiều 22/11, mới tìm được thêm 1 thi thể người bị nạn. Như vậy, cũng mới chỉ tìm được 6 người trên 17 người gặp nạn. Những người khác còn ở đâu nơi rừng sâu hiểm trở? Thật đau lòng.

Vụ sạt lở thứ hai tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), làm 9 người thiệt mạng và 4 người mất tích, xảy ra vào ngày 29/10. Phước Lộc là xã vùng cao, giáp ranh với tỉnh Kon Tum. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày nên tất cả những con đường tới xã đều đã bị sạt lở, vùi lấp nghiêm trọng khiến toàn xã bị chia cắt. Việc tiếp cận vô cùng khó khăn.

Cũng giống như Rào Trăng 3, các đợt cứu nạn ở đây thường xuyên bị gián đoạn do thời tiết xấu, hiểm nguy luôn rình rập người cứu nạn. Để tới được hiện trường, cả trăm con người đã phải băng rừng, lội suối, dò dẫm mà đi. Cho tới ngày 23/11, không thể chỉ dùng sức người với máy cưa, rựa, cuốc, xẻng rất thô sơ nên chính quyền đã đưa xe móc, xe ủi vào.

Nói thế để thấy, việc tìm kiếm nạn nhân ở vùng rừng sâu núi cao trong những vụ tại nạn là vô cùng khó khăn. Cũng từ đây, cho thấy cần phải có những giải pháp cụ thể, hành động cụ thể để hạn chế tới mức thấp nhất tai nạn do sạt lở đất núi.

Khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày, đất núi tưởng như vô cùng chắc chắn cũng bị nhão ra, thiếu gắn kết dẫn đến nguy cơ sạt lở. Nhưng người ta vẫn chủ quan. Chính quyền chủ quan, doanh nghiệp chủ quan, và kể cả người dân cũng có phần chủ quan. Nhưng không thể trách dân, vì không ai muốn sống ở nơi nguy hiểm, nhưng tự họ lại không thể lo được cho mình.

Vì thế, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Lãnh đạo địa phương dù không thể nắm rõ ràng chi tiết nhưng không thể không biết những vùng đất yếu, nguy cơ sạt lở cao ở địa phương mình. Nếu không biết là thiếu trách nhiệm.

Chỉ nêu một ví dụ, với tỉnh Quảng Nam, khu vực miền núi của tỉnh này hầu như mùa mưa lũ năm nào cũng xảy ra sạt lở. Xã biết, huyện biết và cấp cao hơn là tỉnh biết nhưng việc bố trí đất tái định cư để di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm chưa riết róng. Đặc biệt là với chính quyền cấp xã, gần dân, biết rõ lo toan của dân thì càng cần phải gắn bó số phận với dân hơn.

Nhân đây cũng xin được nói thêm ở một nơi cũng phải chịu đựng lũ lụt thường xuyên, đó là tỉnh Hà Tĩnh. Vùng núi cao của tỉnh này năm nào nước cũng dâng, năm nào cũng sạt lở nhưng không có người thiệt mạng do thiên tai, nếu có thì đó cũng chỉ là trường hợp hy hữu do bất cẩn chứ không phải do thiên nhiên giáng xuống.

Để người dân sống được an toàn trong vùng ảnh hưởng thiên tai, chính quyền liên tục cảnh báo, hướng dẫn, còn người dân thì chủ động ứng phó từ đó mà hình thành “kỹ năng sống” với hiểm nguy rình rập.

Thiên tai là bất thường, cũng khó có thể biết trước sẽ ập đến lúc nào, vì thế càng cần phải cảnh giác, cảnh báo, càng cần phải trách nhiệm, càng cần phải có giải pháp. Nhất là không thể khi xảy ra sự cố thì lại đổ hết cho “ông Trời”, còn mình thi vô can trước nỗi đau khôn xiết của đồng bào. Không thể mượn thiên tai để xóa đi trách nhiệm của con người.

Hiện công việc tìm kiếm những người gặp nạn ở Phước Lộc và Rào Trăng 3 đang rất gấp rút. Những nỗ lực của các lực lượng tìm kiếm người gặp nạn là rất đáng ghi nhận. Liệu còn tìm thấy ai trong khối đất đá khổng lồ câm lặng kia?

Chúng ta cùng hy vọng. Nhưng còn mong ước hơn là tai họa đừng xảy ra, con người được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để có thể thoát hiểm, để cuộc đời không bị ngắt ngang một cách đau đớn. Và cũng để không còn phải huy động rất nhiều người vào những đợt tìm kiếm đầy khó khăn. Mà muốn thế, trách nhiệm cần phải nhiều hơn, nỗi thao thức về đồng bào của mình càng phải dày dặn hơn, lương tâm phải tự vấn nhiều hơn.

Nam Việt