G20 và vaccine ngừa Covid-19
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc. Nỗi lo suy giảm kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 phủ bóng mây lên Hội nghị. Và cũng chính vì thế, vấn đề được tất cả các bên tham dự Hội nghị quan tâm là sản xuất vaccine ngừa Covid-19.
Kêu gọi sự ứng phó toàn cầu
Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cuộc khủng hoảng y tế là “một phép thử đối với G20”. Ông Macron cho rằng sẽ không có cách ứng phó nào chống đại dịch hiệu quả hơn là cách ứng phó toàn cầu. Việc làm sao để tiếp cận rộng rãi với các công nghệ y tế chống Covid-19 chính là cuộc chiến tiếp theo mà thế giới phải đối mặt.
“Bằng mọi giá phải tránh kịch bản “thế giới hai tốc độ”, có nghĩa là chỉ nước giàu được bảo vệ khỏi virus và trở lại cuộc sống bình thường, trong khi nước nghèo bị bỏ lại phía sau và chìm trong dịch bệnh”- ông Macron nói.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng kêu gọi các nước G20 thúc đẩy khả năng tiếp cận vaccine một cách công bằng và rộng rãi trên quy mô toàn cầu. “Để đạt được mục tiêu nhân văn này, các quốc gia G20 cần hỗ trợ tài chính để vaccine có thể kịp thời đến được những quốc gia và khu vực nghèo trên thế giới”- ông Ramaphosa nói.
Còn Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho rằng G20 cần phát đi “một thông điệp rõ ràng” rằng nhóm này sẽ đi đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh, phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nối lại các hoạt động đi lại và nỗ lực định hình trật tự thế giới mới sau đại dịch”.
Ông Suga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo lập môi trường trong đó tất cả mọi người trên khắp thế giới có thể tiếp cận các phương pháp chữa trị, vaccine và phương pháp chẩn đoán, đồng thời kêu gọi G20 nỗ lực để có vaccine và thuốc chữa Covid-19 cho người dân trên khắp thế giới. Theo ông Suga, để có được điều đó thì phải có sự nỗ lực toàn diện ở các khâu bào chế, sản xuất và phân phối.
Tương tự, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia để vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Theo ông Moon, để chấm dứt hoàn toàn dịch bệnh, điều quan trọng là phải phân bổ một cách công bằng vaccine và thuốc điều trị Covid-19.
Từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh chỉ với nỗ lực toàn cầu, thế giới mới có thể vượt qua được những thách thức lớn như đại dịch Covid-19 và “cần phải tạo điều kiện để mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vaccine với mức giá phải chăng”.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi phân bổ công bằng vaccine ngừa Covid-19. “Các nước G20 chiếm 2/3 dân số thế giới và 80% sản lượng kinh tế toàn cầu, cần có trách nhiệm đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay” - ông Tedros nhấn mạnh.
Cam kết của G20
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh, “điểm son” cho G20 lần này chính là cam kết chi trả cho việc phân phối công bằng vaccine, thuốc và bộ xét nghiệm Covid-19 khắp thế giới để giúp nước nghèo không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch và nỗ lực phục hồi kinh tế.
G20 cam kết tiếp tục sử dụng mọi chính sách sẵn có nếu cần thiết để bảo vệ việc làm và thu nhập cho người dân, khuyến khích ngân hàng phát triển đa phương tăng cường nỗ lực giúp các nước đối phó khủng hoảng kinh tế vì dịch Covid-19.
Tại Hội nghị, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi G20 từ nay đến cuối năm đầu tư thêm 4,5 tỉ USD vào một dự án toàn cầu về điều chế và phân phối vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị Covid-19. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Đức đã đóng góp gần 600 triệu USD cho nỗ lực này. Còn Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẵn sàng cung cấp vaccine Sputnik-V ngừa Covid-19 cho các nước có nhu cầu.
Giới quan sát cho rằng, những cam kết được đưa ra tại G20 lần này về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 “đang hàn gắn thế giới, và thế giới đã không vỡ vụn thành từng mảnh trước sự tàn phá của SARS-CoV-2”. Theo đại diện của Hãng dược Pfizer và đối tác là Công ty Dược phẩm BioNTech, thì cam kết đó (được hiểu là) đi cùng với tài trợ tài chính cho việc điều chế và phân phối vaccine - một việc thật khó sẵn sàng trong bối cảnh kinh tế của các quốc gia đều đi xuống, kể cả các quốc gia giàu có.
Giá của 1 liều vaccine?
Đến đây, người ta đặt câu hỏi: Vậy thì giá của 1 liều vaccine ngừa Covid-19 sẽ là bao nhiêu?
Câu hỏi được nêu lên từ chỗ không ít ý kiến cho rằng cuộc đua tìm kiếm vaccine ngừa Covid-19 cũng chính là cuộc đua thương mại. Có nghĩa là bên cạnh ý nghĩa y tế thì lợi nhuận kinh tế luôn song hành. Điều đó lại càng “quan trọng” đối với các hãng dược phẩm cũng như những ông chủ đứng đằng sau đầu tư vào các nghiên cứu.
Theo Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ), ông Stephane Bancel, giá mỗi liều vaccine của họ (hiệu quả 94,5%) sẽ dao động từ 25 USD đến 37 USD. Trong khi đó, thông tin từ các nhà phát triển vaccine Sputnik-V của Nga, cho biết vaccine của họ có giá thấp hơn nhiều so với giá công bố của hai công ty Mỹ là Pfizer và Moderna.
Đại diện Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và Viện Gamaleya cho biết: Giá công bố của Pfizer là 19,5 USD và Moderna là 25 đến 37 USD/liều. Thực tế có nghĩa giá của chúng là 39 USD/liều và từ 50 đến 74 USD/người. Vì cả vaccine của Pfizer, Moderna lẫn Sputnik-V đều cần sử dụng 2 liều/người. Và giá của Sputnik-V sẽ thấp hơn nhiều.
Nhưng thấp là bao nhiêu, thì chưa có con số cụ thể.
Và như thế, tất cả vẫn còn ở phía trước, nhưng dẫu sao thì “ánh sáng cũng đã lóe lên ở cuối đường hầm”.
Trong một cuộc họp tại Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ cho biết, tốc độ phát triển vaccine Covid-19 là đáng kinh ngạc và chưa từng có trong lịch sử.
“Nhưng nó không ảnh hưởng đến sự an toàn của vaccine hoặc tính toàn vẹn của quy trình khoa học” - ông Fauci nói và cho rằng đó là sự phản ánh những tiến bộ khoa học phi thường trong phát triển vaccine, cho phép chúng ta làm được những việc trong vài tháng mà thực sự trước đây phải mất nhiều năm.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Fauci, mặc dù sắp có vaccine nhưng vẫn cần tăng gấp đôi các biện pháp y tế công cộng. Điều đó có nghĩa là mọi người cần phải tiếp tục giữ gìn cho đến khi có đủ khả năng miễn dịch trong cộng đồng, ngay cả sau khi họ tiêm hai liều vaccine.