Học phí đại học: Tăng bao nhiêu là vừa?

Thu Hương 24/11/2020 07:30

Với việc đẩy mạnh tự chủ đại học như hiện nay, việc tăng học phí được coi là khó tránh. Song bao giờ tăng, tăng bao nhiêu thì phù hợp với khả năng chi trả của người dân là câu hỏi đang được quan tâm.

Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.

Chủ trương là tăng

GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho biết theo dõi học phí của các trường năm học 2020 - 2021, thấy nhiều trường công lập chưa tự chủ tăng kịch trần theo Nghị định 86 của Chính phủ. Riêng chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế… cao gấp 2 - 3 lần chương trình đại trà. Theo lộ trình, các trường ĐH sau khi đủ điều kiện tự chủ sẽ tự xác định mức học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Dự báo học phí ĐH trong thời gian tới có thể tăng gấp đôi hoặc gấp 3 so với hiện nay là xu hướng chung nhưng cần tính đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tức là đi kèm với đó là các chính sách cho vay để học ĐH như nhiều nước đang thực hiện rất thành công. Tuy nhiên, đó là trách nhiệm của Nhà nước, không nên quy định cứng các trường phải dành bao nhiêu phần trăm để hỗ trợ sinh viên vì như vậy là mâu thuẫn với quyền tự chủ của các trường.

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM lại cho rằng theo quy định hiện nay các trường phải trích tối thiểu 8% nguồn thu học phí để cấp học bổng cho sinh viên. Nhưng mức này có thể phải nhiều hơn thì mới công bằng. Ở các trường nước ngoài, có thu vào nhưng có chi ra cho người học. Trường ĐH phải chi một phần lớn để hỗ trợ ngược lại cho người học.

Hiện nay, các trường tự chủ xác định mức thu học phí dựa trên Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT về hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Vừa qua, Bộ GDĐT cũng đã đề xuất từ năm học 2021 - 2022 học phí bậc ĐH tăng 12,5% dù sau đó lại đề xuất giữ nguyên mức học phí hiện hành và tiếp tục tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội, hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ.

Như vậy, tăng học phí là chủ trương đã có. Vấn đề chỉ là thời điểm tăng và tăng bao nhiêu.

Tăng học phí phải đi cùng với chất lượng đào tạo.

Theo số liệu do GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP HCM và các cộng sự khảo sát trên 10 trường ĐH tự chủ ở Việt Nam cho thấy học phí chiếm trên 80% tổng thu của các trường. Lộ trình tăng học phí của các trường cũng khác nhau có trường từ 10 - 15%/năm, có trường cao hơn. Mức khởi điểm từ 13 - 14 triệu đồng/năm, hai năm sau tăng khoảng 15 - 17 triệu đồng/năm, tùy vào từng trường.

“Chiến lược tài chính của các trường công tự chủ một mặt phải tăng học phí, mặt khác phải tính đến phát triển bền vững về thu hút sinh viên, không nên tăng quá cao, quá đột ngột mà phải có lộ trình, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn”- GS.TS Nguyễn Thị Cành đề xuất.

GS.TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho rằng, năm học này có trường ĐH tăng mạnh học phí với giải thích là vì ngân sách nhà nước cắt toàn bộ chi thường xuyên. Điều này, không hợp lý khi tất cả gánh nặng dồn lên học phí.

Bởi các trường phải tính đến các nguồn thu khác như tăng cường các nguồn tài trợ của Nhà nước và doanh nghiệp, các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ, chuyển giao công nghệ, hoạt động đầu tư…

Băn khoăn chất lượng

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là học phí tăng thì cam kết về chất lượng đào tạo của các trường có tăng? Nhiều trường lý giải trong việc tăng học phí là sẽ có nhiều cải tiến trong chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và trải nghiệm thực tế. Rồi nhà trường sẽ bổ sung vào chương trình đào tạo các nội dung mới, bổ sung các trải nghiệm, dịch vụ tiện ích... nhằm đảm bảo giá trị tăng thêm cho sinh viên và đạt các chuẩn đầu ra theo yêu cầu thị trường…

Thực tế, kết quả kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tại 23 trường ĐH công lập thuộc Bộ GDĐT vừa công bố cho thấy một số bất cập. Đơn cử như trong chương trình liên kết đào tạo tại một số trường ĐH, kiểm toán Nhà nước phát hiện thấy tình trạng liên kết đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước trong điều kiện về cơ sở vật chất không đảm bảo, chương trình chưa được kiểm định, giáo trình chưa tự xây dựng. Hơn nữa, giảng viên giảng dạy thì không bảo đảm và học viên lại chưa đủ điều kiện đầu vào theo chương trình xây dựng.

Kết quả kiểm toán còn cho thấy nhiều trường chưa thực sự chú trọng công tác đổi mới nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Việc đổi mới chủ yếu điều chỉnh một số tín chỉ môn học phù hợp với thực tế đào tạo, cập nhật đề cương môn học, giảm bớt số tín chỉ các môn học đại cương, tăng tín chỉ tiếng Anh hoặc tăng giảm số tín chỉ các môn học tự chọn. Ngoài ra, một số trường xây dựng chương trình tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế song gặp nhiều trở ngại và không đem lại hiệu quả.

“Nhìn chung công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường chưa được quan tâm đồng đều, đội ngũ cán bộ chuyên trách thiếu, nguồn lực đầu tư hạn chế. Tiến độ triển khai công tác tự đánh giá của một số trường còn chậm, nhiều đơn vị chưa thực hiện. Chủ yếu các trường đang quan tâm đến kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, chưa chú trọng vào chất lượng chương trình đào tạo”- đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết.

Kiến nghị tạm dừng tăng học phí

Kết quả kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tại 23 trường ĐH công lập thuộc Bộ GDĐT vừa công bố cho thấy các đơn vị trực thuộc đang hoạt động dưới nhiều mô hình tổ chức, phương thức quản lý khác nhau, dẫn đến việc thực hiện quản lý tài chính gặp nhiều bất cập.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị tạm dừng tăng mức thu học phí cho đến khi ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật làm căn cứ để các trường ĐH công lập xây dựng giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo phù hợp với thu nhập bình quân trên đầu người, để học phí không trở thành gánh nặng của người học, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Thu Hương