Di sản Hoàng thành Thăng Long: 10 năm nhìn lại
Sau 10 năm được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, Hoàng thành Thăng Long đang khẳng định không chỉ là “địa chỉ đỏ” của di sản văn hóa, lịch sử Thủ đô mà còn đang lan tỏa lên tầm quốc tế.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản
Ngày 23/11, tại Hoàng thành Thăng Long, UBND TP Hà Nội phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long”.
Với sự tham gia của các chuyên gia về di sản, văn hóa trong nước và quốc tế, Hội thảo đã tập chung thảo luận ở 2 chủ đề chính là Tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm nghiên cứu Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (từ năm 2010 đến năm 2020) và định hướng nghiên cứu phục dựng các công trình kiến trúc; Quản lý bền vững các Khu Di sản ở Việt Nam và Thế giới - kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và giáo dục di sản. Ở đó, theo các các đại biểu đều cho rằng Hoàng thành Thăng Long từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới bên cạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử đây còn là điểm đến du lịch của Thủ đô.
Theo TS Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới Trung tâm đã hoàn thành phê duyệt 2 đồ án Quy hoạch: Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành cổ (tỷ lệ 1/500) (ngày 21/8/2015) và Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) (ngày 3/7/2015) làm cơ sở để triển khai thực hiện các dự án thành phần theo quy định; triển khai các bước nghiên cứu lập Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội.
Các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và bảo tồn di sản được Trung tâm chú trọng triển khai. Trong đó tập trung xây dựng Đề án nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên; Đề án nghiên cứu phục dựng lễ hội đèn Quảng chiếu; nghiên cứu các nghi lễ trong Cung đình và các hoạt động văn hóa phi vật thể. Đặc biệt là việc nghiên cứu khai quật khảo cổ tại khu di sản theo lộ trình và kế hoạch hàng năm. Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát, khai quật khu vực trung tâm thành cổ, thu được nhiều kết quả mới, góp phần nhận diện rõ hơn diện mạo các kiến trúc, công trình trong khu vực Cấm thành Thăng Long để từng bước nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên, TS Trần Việt Anh nói.
Cũng theo TS Trần Việt Anh, mong muốn mang đến những trải nghiệm hoàn hảo nhất cho du khách, Hoàng thành Thăng Long là một trong những di tích tiên phong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích như wifi, ứng dụng thuyết minh tự động trên smartphone; tham quan ảo 360 độ; đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng bằng công nghệ 3D…
Theo hướng đó, năm 2020, lần đầu tiên, Trung tâm đưa vào phục vụ khách tham quan một công cụ tiện ích, sáng tạo là màn hình tương tác diễn giải lịch sử Hoàng thành Thăng Long, giúp du khách trải nghiệm và khám phá di sản một cách thuận tiện dễ dàng nhất, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của khu di sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.
Tiếp tục khẳng định vị thế
Tuy nhiên, với những gì đã và đang có, tại Hội thảo các chuyên gia cũng cho rằng Hoàng thành Thăng Long cần phải có những hành động tích cực hơn nữa để khẳng định vị thế của mình. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài- Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, với Hoàng thành Thăng Long lượng thông tin khoa học, thông điệp và các biểu tượng văn hóa chứa đựng trong di sản và các bộ sưu tập hiện vật khảo cổ hiện nay rất trừu tượng và khó giải thích với đông đảo công chúng. Do đó, việc diễn giải lịch sử hay thông tin khoa học đang là nhiệm vụ không hề đơn giản, nếu không nói là rất khó khăn với Trung tâm.
Theo đó, PGS Bài đề nghị trong thời gian tới chúng ta có thể thiết lập trong lòng khu di sản một trung tâm diễn giả lịch sử mà lý tưởng nhất là xây dựng khu trưng bày Hoàng cung Thăng Long. Thông qua đó khu di sản sẽ làm cho công chúng dễ tiếp cận, dễ hiểu hơn đối với tầng lớp xã hội hội khác nhau. Có lẽ, đây là một phương tiện hữu hiện để phổ cập rộng kiến thức và giá trị di sản.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng để phát huy giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long cần quan tâm tới mặt giá trị văn hóa phi vật thể đã diễn ra trong không gian văn hóa Cung đình. Bởi việc gắn Cung đình với các giá trị văn hóa phi vật thể chắc chắn sẽ mang tính chất quy chuẩn. Đây cũng sẽ là đề tài nghiên cứu để cho các thế hệ tương lai hướng tới.
Trong đó, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa - UNESCO (Bộ Ngoại giao) Mai Phan Dũng cho rằng, với mục tiêu phát triển bền vững, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cần cân nhắc việc chuyển dịch trọng tâm đầu tư từ tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng sang tăng cường trùng tu, bảo trì di sản; thiết lập và áp dụng các tiêu chuẩn chuyên môn nhằm bảo đảm tính xác thực của di sản; gắn phát triển cộng đồng với trách nhiệm bảo tồn di sản.
Ngày 23/11, tại Thềm điện Kính Thiên - Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương, thưởng thức màn trống hội và sử thi tái hiện sự kiện lịch sử năm 1010, khi Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về kinh đô Thăng Long, mở ra Vương triều Lý. Hoàng thành Thăng Long được khởi dựng từ giai đoạn này, đến năm 1011 thì hoàn thành. Khu di sản là quần thể di tích gắn với lịch sử hình thành và phát triển của kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều đại xây dựng trong nhiều giai đoạn và là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích của Việt Nam.