Nam Định: Công nhân đối thoại với Chủ tịch tỉnh

Duy Hưng 24/11/2020 20:34

Công nhân tại Nam Định mong chính quyền có chính sách xây dựng nhà trông trẻ trong các khu, cụm công nghiệp.

Tại cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cùng lãnh đạo một số sở ngành của tỉnh, tổ chức hôm nay, 24/11, nhiều công nhân, người lao động (CN, NLĐ) trong tỉnh tiếp tục phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan đến đời sống, việc làm, quyền lợi của họ.

Trong đó, vấn nạn DN nợ, trốn đóng các loại bảo hiểm cho NLĐ vẫn là chủ đề “nóng”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị (ngồi giữa) cùng lãnh đạo các sở ngành của tỉnh tham gia đối thoại.

Theo anh Phạm Công Chỉnh (Công ty TNHH Điện tử MSL), hiện nay việc cấp giấy phép SXKD cho các DN do Sở KH-ĐT thực hiện, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, DN trong Cụm công nghiệp Hải Thanh (Hải Hậu) tự ý chuyển đổi mục đích SXKD, cho đơn vị khác thuê lại mặt bằng để sản xuất nhôm đúc, quá trình sản xuất không xử lý chất thải theo quy định, gây ô nhiễm môi trường; không thực hiện đóng BHXH, BHYT cho NLĐ.

Mặc dù chính quyền huyện, xã đã kiểm tra, nhắc nhở nhưng DN không chấp hành khắc phục, vẫn tái diễn nhưng cũng không thể xử phạt vì không có thẩm quyền. Từ đó anh Chỉnh đề nghị chính quyền tỉnh phải có biện pháp “rắn” đối với vấn đề trên.

Nữ công nhân đến từ Công ty TNHH SINHWA (huyện Xuân Trường) cho hay, do dịch Covid-19, chủ công ty người Hàn Quốc đã về nước từ tháng 2/2020, đến nay chưa quay lại.

Trong khi đến nay, công ty đã nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ số tiền 1,2 tỷ đồng. Từ đó, nữ công nhân đề nghị chính quyền tỉnh có biện pháp can thiệp, yêu cầu công ty nộp tiền bảo hiểm cho người lao động, nhất là trong trường hợp chủ công ty không quay lại.

NLĐ đến từ Công ty Triton phản ánh, năm 2016 có công nhân nghỉ làm ở Công ty AELim Vina rồi vào Công ty TNHH Triton làm việc và đóng bảo hiểm tại công ty này. Tháng 8 năm 2020, công nhân này nghỉ việc ở Công ty Triton và chốt bảo hiểm.

Tuy nhiên, khi Công ty Triton đăng ký chốt bảo hiểm cho người lao động (NLĐ) thì nhận thông báo của BHXH tỉnh Nam Định là công nhân này phải chốt bảo lưu tại công ty cũ xong mới chốt được ở công ty Triton. Khi NLĐ mang sổ bảo hiểm và quyết định thôi việc lên BHXH tỉnh làm thủ tục giải quyết, cơ quan BHXH tỉnh đã nhận và lập hồ sơ giải quyết, hẹn NLĐ chờ kết quả sau 1 tuần.

Sau 1 tuần, NLĐ nhận được tin nhắn trên hệ thống BHXH là hồ sơ đã được giải quyết xong. Hai tuần sau, công ty Triton lại nhận được sổ BH của công nhân đó, kèm theo giấy thông báo chưa chốt tại công ty cũ. Và quy trình lại lặp lại như ban đầu làm NLĐ mất rất nhiều thời gian.

Nhiều ý kiến khác phàn nàn thời gian qua, do ảnh hưởng dịch họ bị mất việc làm. Khi đi làm thủ tục nhận hỗ trợ thất nghiệp họ phải đi quá xa, vì cả tỉnh chỉ có 4 nơi giải quyết việc này.

Ngoài vấn đề DN nợ, trốn đóng bảo hiểm, khó khăn trong thực hiện quy trình, thủ tục về bảo hiểm, tại cuộc đối thoại, CN, NLĐ ở Nam Định còn nêu, phản ánh nhiều vấn đề bức xúc, khó khăn khác.

Trong đó, tại cuộc đối thoại, nhiều nữ công nhân phản ánh, hiện nay họ đang phải đi làm rất xa, nhiều người lại đang nuôi con nhỏ. Từ đó, các nữ công nhân mong muốn chính quyền tỉnh Nam Định có chính sách xây dựng nhà trông trẻ trong các khu, cụm công nghiệp; có kế hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân thuê với giá rẻ để NLĐ yên tâm làm việc.

Nữ công nhân tên Lê, đến từ một DN đứng chân trên địa bàn xã Hải Hà (Hải Hậu) thì phản ánh, lao động trong công ty, trong đó đa phần là nữ thường phải làm việc đến 8-9h đêm mới được về và phải về nhà trong tình trạng nhà xa, đường vắng, rất lo gặp phải những việc như tai nạn giao thông, cướp giật, hiếp dâm…

Nhiều CN khác thể hiện sự lo lắng khi lâu nay các DN trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động từ 16-30 tuổi. Hầu hết công nhân xuất thân từ nông thôn, chưa qua đào tạo. Sau khi được tuyển dụng cũng chỉ được đào tạo làm việc theo từng công đoạn.

Đến khi NLĐ ở độ tuổi ngoài 45 thì dễ mất việc, nhất là ở ngành may vì đến tuổi này lao động nữ ngành may sức khỏe suy giảm, mắt không còn tinh. Người lao động mong muốn tỉnh có chính sách tạo điều kiện cho lao động nữ từ 45 tuổi được tư vấn học thêm nghề để đảm bảo cuộc sống sau khi mất việc…

Người lao động phản ánh tình trạng doanh nghiệp không chịu đóng bảo hiểm lao động cho họ.

Ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của đại diện CN, NLĐ trong tỉnh, tại cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cùng lãnh đạo các sở LĐ-TB&XH, TN-MT, Công an tỉnh, BHXH tỉnh, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh… đã thông tin, giải đáp những quy định liên quan đến chính sách bảo hiểm hiện hành; cơ chế chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng dịch Covid-19; cơ chế chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách, kế hoạch của tỉnh trong triển khai xây dựng các thiết chế công đoàn tại các Khu công nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường làm việc, an toàn tại bếp ăn công nhân.

Trong đó, liên quan đến tình trạng ND nợ, trốn đóng bảo hiểm cho NLĐ, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc BHXH tỉnh thông tin có DN như Công ty may Hải Đường (Hải Hậu) đang nợ đóng bảo hiểm cho NLĐ đến 8 tỷ đồng.

“Trên thực tế có DN lợi dụng, mang tiền đóng BH của NLĐ đi làm việc khác nhưng cũng có nhiều DN nợ đóng bảo hiểm do thực sự khó khăn. Mới đây BHXH tỉnh đã chuyển danh sách hơn 700 DN đang trong trình trạng nợ, trốn đóng BH tới công an tỉnh để phối hợp đôn đốc, xử lý”, ông cho biết.

Duy Hưng