Tránh dư thừa trường đại học
Bộ GDĐT vừa có cuộc họp liên quan tới vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050.
Đánh giá từ Bộ GDĐT cho thấy, giờ đây yêu cầu về chất lượng đào tạo ngày càng cao đối với các cơ sở giáo dục ĐH, nhất là đối với lĩnh vực đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, việc phân bổ các cơ sở giáo dục ĐH có nơi còn bất cập; có sự khác biệt về quy mô, lĩnh vực, chất lượng đào tạo và hiệu quả đầu tư của nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ĐH khác nhau…
Tại cuộc họp này, các ý kiến đóng góp vào việc quy hoach các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn tới đều có chung đích hướng tới là cần đảm bảo hiệu quả của đầu tư nhà nước; trường ĐH đảm bảo hợp lý về quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; đồng thời đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh dư thừa.
Lập quy hoạch - đó là câu chuyện bàn ở tầm vĩ mô, cấp độ quản lý nhà nước. Nhưng điều mà người dân quan tâm, thắc mắc bấy lâu rằng sao ngày càng có nhiều trường ĐH được mở ra đến thế? Có nhất thiết phải lập mới 2- 3 trường ĐH ở địa phương của họ không?
Điểm lại việc quy hoạch các trường ĐH thời gian qua, mới thấy có quá nhiều vấn đề ngổn ngang. Đơn cử ngay như năm 2019, hàng loạt ngành thuộc nhiều trường ĐH ở các địa phương (ĐH tỉnh) phải đóng cửa vì không có người học.
Đây là hệ quả tất yếu từ việc đua nhau thành lập trường ĐH, phong trào nâng cấp từ trường CĐ lên ĐH … bởi tỉnh nào cũng muốn sở hữu ít nhất một trường ĐH. Giai đoạn 2016 - 2020, theo quy định cả nước có 460 trường ĐH, trong đó gồm 224 trường ĐH và 236 trường CĐ. Nhưng theo Bộ GDĐT, cho tới năm 2018, cả nước đã có 235 trường ĐH và viện, chưa kể các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh.
Như vậy, tới năm 2020, dù không lập thêm trường ĐH thì ngành giáo dục vẫn vượt chỉ tiêu quy hoạch đề ra với 9 trường ĐH. Giai đoạn phát triển nóng về số lượng các trường ĐH từ năm 1998 đến năm 2009, có 312 trường ĐH, CĐ thành lập, nghĩa là trung bình cứ gần hai tuần lại có một trường ĐH, CĐ ra đời.
Trong khi quy mô đào tạo ở tất cả bậc học và hệ đào tạo tăng nhanh, các điều kiện cơ bản như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, giáo trình… để bảo đảm chất lượng đào tạo lại không theo kịp, hoặc chắp vá.
Những khó khăn mà các trường ĐH tỉnh đang đối mặt hiện nay là không được địa phương cấp ngân sách, sinh viên theo học quá ít… trường sở được xây dựng rất khang trang, bộ máy nhân sự được dựng lên nhưng không có người học, thành thử đó là một sự lãng phí ghê gớm. Buồn thay, nhiều cơ sở trường ĐH trở thành địa điểm cho thuê hội thảo, sự kiện…
Vì thế, việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn tới cũng cần bám sát với yêu cầu thực tiễn, chứ không phải vẽ đề án quy hoạch ra cho có, theo lối tư duy nhiệm kỳ… Cùng với đó là củng cố những trường trọng điểm; nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH có thương hiệu; phát triển các ĐH, trường ĐH có điều kiện đảm bảo chất lượng tốt. Đi kèm với đó là mạnh tay sáp nhập/giải thể các trường ĐH quy mô nhỏ, kém hiệu quả…