Tham nhũng vặt?
Tiếp xúc với cử tri hôm 23/11, đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh lại nhắc đến chuyện “tham nhũng vặt”. Và rằng, “tham nhũng không có cái nào vặt” và cần được xử lý kịp thời. Giá trị tiền bạc khó nói thế nào là lớn, nhỏ. Với người giàu thì 100 triệu đồng không phải lớn, nhưng với người khó khăn thì 1 triệu đồng cũng lớn.
Thực tế cuộc sống đúng như ông Nguyễn Văn Nên nêu. Pháp luật cũng không quy định đâu là tham nhũng lớn, đâu là tham nhũng vặt. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định có nhiều tội về tham nhũng và cũng chỉ quy định về chế tài phạt từng mức với các hành vi, hình thức khác nhau. Một người tham ô, nhận hối lộ trên 1 tỉ đồng có thể bị tử hình, và dù chỉ dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này vẫn bị phạt tù từ 2-7 năm…
Cum từ “tham nhũng vặt” thực ra cũng chỉ mới xuất hiện từ những năm gần đây. Vấn nạn tham nhũng vặt cũng chỉ xuất hiện khoảng vài chục năm gần đây. Năm 2014, lần đầu tiên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mới đưa vào văn bản hội nghị cụm từ “tham nhũng vặt”. Nhưng những năm gần đây, vấn đề ngăn chặn “tham nhũng vặt” đã liên tục được đặt ra từ phát biểu của các nhà lãnh đạo cho đến ý kiến của người dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã không ít lần yêu cầu cần chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Bởi kiểu “tham nhũng vặt” đã xảy ra phổ biến, gần như trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Từ y tế, giáo dục, giao thông…cho đến chạy chức, chạy quyền. Từ “lót tay”, “bôi trơn” cho được việc, hay ẩn dưới dạng “quà biếu”,“cám ơn”…
Và rồi như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói, tham nhũng đã “vặt”, “ăn của dân không từ một thứ gì”. Không chỉ mấy chục, vài trăm ngàn đồng lót tay cho CSGT khi vi phạm, mà dăm chục triệu, mấy trăm triệu, hàng tỉ đồng để chạy chức, chạy quyền…cũng lại chỉ coi là chuyện “vặt” mà thôi.
Thật đau lòng khi đến nay, con virus tham nhũng, chẳng khác gì con virus Corona gây ra đại dịch Covid-19 lan tràn, nhiễm vào không ít người. Một người bị nhiễm lại lây cho nhiều người khác. Và khi người ta đã “ăn” một lần, ai nghĩ rằng họ sẽ không “ăn” lần khác, lần sau sẽ lớn hơn lần trước. Người nhiễm virus có thể chữa khỏi, miễn dịch; còn kẻ mắc bệnh tham nhũng thì chỉ có bệnh nặng thêm mà thôi.
Rõ ràng cần phải thay đổi về cách nghĩ, cần phải làm mạnh, xử lý nghiêm tham nhũng dù cho đó là hình thức nào. Nếu chỉ coi là chuyện vặt, để rồi khi cả xã hội đều bị nhiễm bệnh tham nhũng, đều “vặt” của nhau thì xã hội đã hóa xã hội tham nhũng.