Phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, ban soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, bám sát quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND để có hướng dẫn phù hợp cho việc sửa đổi bổ sung các quy định còn khiếm khuyết.
Ngày 25/11, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý xây dựng dự thảo Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 ngày 18/01/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị quyết liên tịch số 11/2016/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 01/02/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và chủ trì Hội nghị.
Trong 5 năm qua, nhiều chủ trương mới của Đảng đã được ban hành, các quy định của Hiến pháp được thể chế hóa bằng nhiều quy định mới, tạo điều kiện cho việc thực hiện dân chủ, quyền công dân trong bầu cử. Cùng với đó, các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới như Luật Tổ chức Quốc hội số 65/2020/QH14, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương,...
Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, trong quá trình triển khai thực hiện việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú của người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND), theo Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 ngày 18/01/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, một số nội dung hướng dẫn không còn phù hợp với thực tiễn như quy định về việc lấy ý kiến nơi công tác, nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Trước tình hình đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu tiếp tục bảo đảm thực hiện dân chủ ngày càng cao, phù hợp với xu thế hội nhập, đổi mới, góp phần phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia trao đổi, góp ý xây dựng các nội dung trong dự thảo Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 ngày 18/01/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị quyết liên tịch số 11/2016/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 01/02/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Về thủ tục lấy ý kiến nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nên được quy định thực hiện tại nơi người ứng cử cư trú lâu nhất tính đến thời điểm lấy ý kiến. Bên cạnh đó, không nên quy định việc lấy ý kiến cử tri tại tất cả các nơi người cư trú đã và đang sinh sống, bởi trên thực tế, việc làm này sẽ trở nên phức tạp đối với các cá nhân có nhiều nơi cư trú trong một khoảng thời gian, gây khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ của quá trình bầu cử.
Ông Đỗ Duy Thường cũng đề nghị, việc lấy ý kiến từ Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư cần được quy định thực hiện ngay cả trong trường hợp người ứng cử ít tiếp xúc với nhân dân, chi bộ, tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận nơi mình đang ở, bởi vì Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư luôn nắm vững tình hình các hộ gia đình, cư dân đang sinh sống tại địa bàn khu dân cư thông qua các hoạt động của mình. Do đó, nhận xét của Ban công tác Mặt trận khu dân cư luôn là ý kiến quan trọng, đảm bảo tính trung thực và khách quan đối với người ứng cử.
Về dự thảo xây dựng, sửa đổi Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương bầu cử, các chuyên gia, nhà khoa học đồng tình cho rằng, dự thảo đã thể hiện được sự đổi mới trong các quy định, phù hợp với tình hình thực tiễn và giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Tuy nhiên, một số điểm trong dự thảo cần được xem xét và chỉnh sửa lại như tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết quy định về nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, các chuyên gia cho rằng, cụm từ “được giới thiệu” cần được sửa lại thành “được bầu” để phù hợp với các quy định của pháp luật,...
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đóng góp tại Hội nghị đã nêu ra được những điểm đã đạt được và chưa được trong dự thảo các Nghị quyết, giúp hoàn thiện những dự thảo này, có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm tiêu chuẩn bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, nâng cao chất lượng đại biểu, tổ chức hợp lý và thành công các hội nghị lấy ý kiến nơi công tác, nơi cư trú và quy trình hiệp thương.
Từ ý nghĩa đó, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, ban soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, bám sát quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND để có hướng dẫn phù hợp cho việc sửa đổi bổ sung các quy định còn khiếm khuyết. Đồng thời, ban soạn thảo cũng cần kế thừa các quy định vẫn phù hợp và có hiệu lực, hiệu quả trong thực tế để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự thảo các Nghị quyết, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thời gian trình để Nghị quyết có hiệu lực thực thi.