Nuôi gà tre
Gà tre là giống gà phổ biến ở nhiều địa phương. Sau này, có nhiều giống gà nhập ngoại chóng lớn, nhanh xuất chuồng nên gà tre có vẻ “lép vế”. Nhưng, với những người nuôi gà tre, thì không chỉ là kinh doanh mà còn như một thú vui.
Một nông dân ở ấp 2, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cho biết, mới đầu anh nuôi gà tre như một thú vui nhưng rồi cũng từ đó mà anh có được thu nhập cao. Vì gà bán dễ, lại được giá. Anh cho biết, vừa nuôi nhốt vừa nuôi thả 2.000 con gà tre, sau 4 tháng đã xuất bán và thu lãi gần 100 triệu đồng.
Từ đó, anh thôi nuôi heo thương phẩm, mà chuyên chú vào nuôi gà tre.
Đại diện Hội Nông dân xã Tân Lập cho biết, nuôi gà tre rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại Bình Phước. Người nuôi chỉ cần sử dụng khu đất trống, dưới vườn điều, cao su, cây ăn trái..., chuồng trại bảo đảm thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông là gà phát triển tốt, thịt thơm ngon. Đặc biệt, gà tre có sức đề kháng cao, chất lượng thịt tốt, giá cả và nhu cầu thị trường ổn định. Gà tre chính là vật nuôi tiềm năng, giúp nông dân cải thiện kinh tế.
Tuy nhiên, để nuôi gà tre đạt hiệu quả kinh tế cao thì bà con cũng cần nắm được một số yếu tố kĩ thuật, trước hết là để tránh bệnh tật cho gà và sau đó là để chúng mau lớn.
Đầu tiên là khâu chọn giống. Gà tre ở vùng Tây Nam bộ có trọng lượng nhỏ, con trống trưởng thành đạt 0,8 kg, con mái khoảng 0,6 kg. Khi ấy, chúng có bộ lông đẹp dài, màu sắc đa dạng, bóng mượt, nhất là ở gà trống. Vì thế, không chỉ bán thương phẩm mà bà con còn có thể bán cho người nuôi làm cảnh. Khi chọn gà giống, cần chọn con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không bị bệnh tật, không rù, lông khô, bông, không bị dính bết. Chú ý kỹ hậu môn không bị ướt, không đi phân trắng. Và cũng nên chọn những con giống có mỏ khép kín, chân vàng bóng, đi lại chắc chắn.
Về chuồng trại nuôi gà tre con, cần làm trên nền đất cao ráo, thoáng mát, theo hướng Đông Nam hoặc hướng Đông là đẹp nhất. Xung quanh khu vực chuồng nuôi có lưới thép B40 bao xung quanh. Chất độn chuồng có thể dùng vỏ trấu hoặc mùn cưa, rơm rạ khô. Dùng rơm khô gà sẽ đẹp mã hơn, không bị ướt nhưng phải chú ý thay 2 - 3 ngày/lần để đảm bảo chuồng luôn khô thoáng. Chất độn phải được phơi khô hoàn toàn, phun sát trùng bằng thuốc tím. Máng ăn cho gà tre có thể đặt hoặc treo trong chuồng.
Để nuôi gà tre nhanh lớn, người nuôi cần đảm bảo duy trì các yếu tố nhiệt độ, ánh sáng, cường độ chiếu sáng cho phù hợp với từng tuần tuổi nhằm tạo môi trường tốt nhất. Từ trên 1 tháng tuổi, gà con bắt đầu thích nghi với nhiệt độ và môi trường xung quanh, do đó nên cho gà ra ngoài sân tắm nắng, tắm đất giúp tăng sức đề kháng. Đây cũng là một trong những kỹ thuật đặc biệt quan trọng khi nuôi gà tre đẻ trứng bởi vì sản lượng trứng của gà mái tre sẽ giảm rõ rệt nếu nuôi nhốt hoàn toàn.
Nếu muốn nuôi gà tre để chọi (gà trống), thì từ 7 tháng tuổi trở đi, gà trống bắt đầu thay lông, thêm lông bờm, nở nang. Giai đoạn này cần nuôi tách riêng từng con gà trống không để chúng đá chọi lẫn nhau gây mất sức. Cho gà ra tắm nắng từ 7h sáng đến 9h sáng giúp chúng tăng sức đề kháng, giảm bệnh. Vào 10h đêm cho gà tre uống nước và phun rượu vào hai bên cánh 1 tuần 2 lần. Đây chính là cách làm cho gà tre sung.
Bà con cần chú ý, thức ăn là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình nuôi gà tre. Không nên cho chúng dùng cám công nghiệp vỗ béo vì lượng đạm cao sẽ khiến gà bị vẹo lườn, đi lại lịch bịch trông rất xấu mã, vừa ảnh hưởng đến vẻ đẹp, sự dũng mãnh lại làm giảm khả năng sinh sản của gà tre mái.
Bà con cũng cần rắc vôi bột định kỳ nơi nuôi gà để hạn chế bệnh tật cho gà.