Ai dùng bằng giả?
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố các bị can là cán bộ Trường Đại học Đông Đô về tội giả mạo trong công tác. Điều đau xót là cả một dàn lãnh đạo, cán bộ từ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, đến các phòng, ban đã vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng.
Điều đau xót hơn nữa là hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật của nguyên các cán bộ nói trên và các cá nhân liên quan. Họ đã cùng bắt tay cấp tới mấy trăm bằng cử nhân Tiếng Anh giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo, chưa đủ điều kiện cấp bằng…
Dư luận đang rất quan tâm những ai trong số các cá nhân đã và hiện đang dùng những tấm bằng giả này? Họ đã dùng bằng giả vào các mục đích gì? Đương nhiên theo quy định, những tấm bằng giả này sẽ phải bị thu hồi cũng như phải xử lý những hệ lụy kéo theo sau đó. Điều mà dư luận đòi hỏi cần công khai danh tính các cá nhân đã dùng những tấm bằng nói trên.
Bởi hiện tượng làm giả giấy tờ, dùng giấy tờ giả đã là vấn nạn từ nhiều năm qua. Năm 2004, chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thanh tra, phát hiện có tới hơn 10 ngàn trường hợp dùng bằng giả. Những năm gần đây, từ đơn thư tố cáo của công dân, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp sử dụng bằng giả, có đủ ở mọi cấp ngành, trong đó có cả cấp trung ương. Cơ quan công an cũng liên tục phá các vụ án làm bằng giả, trong đó có những vụ thu hàng ngàn phôi bằng giả, đủ mọi ngành nghề.
Điều oái oăm là vì sao đa số các vụ sử dụng giấy tờ giả gần đây đều từ đơn thư tố cáo của công dân. Cũng lại việc sử dụng giấy tờ giả chủ yếu lại ở các cơ quan nhà nước, người sử dụng là cán bộ, công chức, viên chức? Hành vi giả mạo giấy tờ mỗi ngày một tinh vi hơn. Ngay vụ cấp bằng giả, sử dụng bằng giả của Trường Đại học Đông Đô này cũng là điển hình của việc tinh vi, lợi dụng kẽ hở quản lý để vi phạm.
Làm giấy tờ giả, cấp bằng giả đương nhiên phải bị xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn người sử dụng bằng giả cũng cần phải xử lý nghiêm hơn, nếu không sẽ không triệt được nạn làm và sử dụng văn bằng giấy tờ giả. Như tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh về tình hình sử dụng bằng giả và yêu cầu “đã đến mức phải xử lý hình sự”.
Kẻ làm giả giấy tờ, bằng cấp chủ yếu vì tiền, vì cái lợi trước mắt, còn người dùng bằng giả, giấy tờ giả cũng chỉ vì cái danh, cái lợi của bản thân. Và họ đều đã quên đi nhân cách, đạo đức, để rồi lừa đảo xã hội. Càng nguy hại hơn khi những kẻ không có đức, có tài lại bằng sự giả mạo của mình leo cao, luồn sâu, luôn rao giảng về tuân thủ pháp luật, về đạo đức, nhân cách con người.