Phản tác dụng tuyên truyền
Dù là báo chí, văn học, nghệ thuật hay phim ảnh cũng đều hướng tới mục đích tuyên truyền chân - thiện - mỹ đến mọi tầng lớp trong xã hội. Vậy nên, đừng làm “hàng chợ” chỉ với mục đích câu khách, kiếm tiền mà phản tác dụng tuyên truyền.
Tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội mới đây, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Lã Thị Lan đã tỏ thái độ phản ứng với phim “Lửa ấm” đang phát trên VTV1. TS Lã Thị Lan cho rằng, một số tập của bộ phim đã có những sai sót rất nghiêm trọng về kiến thức đối với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Việc làm phim cảm tính, thiếu kiến thức chuyên môn rất nguy hại cho xã hội.
Bà Lan lấy ví dụ: Trong phim có cảnh một chiến sĩ cảnh sát PCCC đưa một người bị TNGT đi cấp cứu, rồi sau đó bác sĩ bảo rằng anh ta đã bị phơi nhiễm HIV là chưa chuẩn xác. Về nguyên tắc, khi tiếp xúc, cả hai người cùng phải bị sây sát chảy máu mới có nguy cơ lây nhiễm HIV. Ngay cả khi cả hai người cùng chảy máu cũng chưa chắc đã lây nhiễm HIV. Vậy tại sao lại “đóng đinh” anh cảnh sát PCCC bị phơi nhiễm HIV?
Theo khuyến cáo, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS có thể lây qua đường tình dục. Song, đâu phải ai cũng bị phơi nhiễm khi vô tình quan hệ với người bị HIV/AIDS. Các chuyên gia y tế cũng khẳng định tỷ lệ HIV/AIDS truyền từ mẹ sang con là gần như tuyệt đối. Vậy nhưng trên thế giới vẫn có những trường hợp ngoại lệ thì tính sao? Hiện, HIV/AIDS được coi là căn bệnh vô phương cứu chữa, nhưng vẫn có một vài người khỏi bệnh thì sao?
Đưa ra những phân tích trên để thấy, việc xây dựng một tác phẩm dù là báo chí, văn học, nghệ thuật hay phim ảnh, các tác giả cũng cần có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực mình đang muốn viết. Còn nếu không có kiến thức thì đừng giấu dốt mà nên tham khảo ý kiến các chuyên gia về lĩnh vực đó, tránh việc dẫn dắt dư luận lệch hướng. Chẳng phải các cụ xưa có câu: Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe đó sao?
Trong trường hợp cụ thể này, TS Lan cho rằng, việc làm phim như vậy sẽ có tác động tiêu cực đến cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS, không chỉ của riêng Việt Nam mà còn của cả thế giới. Nếu cứ như trên phim thể hiện, liệu còn ai dám hỗ trợ cứu giúp người bị TNGT, hay TNLĐ không? Khi tham gia giao thông ngoài đường, khi làm việc trong công xưởng, ai biết được người bị tai nạn có bị HIV/AIDS hay không khi đưa đi cấp cứu.
Cũng theo quan điểm của TS Lã Thị Lan, việc phim cho nhân vật có dấu hiệu bị phơi nhiễm đi cách ly là sai rất nghiêm trọng. Điều đó có thể dẫn tới hậu quả là khiến người xem hiểu lầm và sợ bệnh HIV quá mức cần thiết, hoặc sinh ra kỳ thị đối với những người bị bệnh. “Thông tin về phơi nhiễm được tuyên truyền rất nhiều, vậy mà lại để lọt lỗi sai như vậy trong một bộ phim chiếu giờ vàng khiến chúng tôi rất lo...” - TS Lan nói.
Trong cuộc sống không ai dám vỗ ngực rằng bản thân “biết tuốt” mọi thứ. Vì thế nhà biên kịch, đạo diễn phim không am hiểu lĩnh vực y tế là điều hoàn toàn dễ hiểu, không có gì phải xấu hổ cả. Ở chiều ngược lại, các bác sĩ cũng không thể biết cách xây dựng một kịch bản phim như thế nào, phân cảnh ra sao, đặt máy quay ở đâu để có những khuôn hình đẹp nhất, ngôn ngữ điện ảnh sống động nhất...
Song, vấn đề mà TS Lã Thị Lan đặt ra ở đây là sự cầu thị. Nghĩa là không ai bắt các nhà làm phim phải có kiến thức chuyên sâu về y tế, nhất là căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Nhưng khi làm phim có liên quan đến lĩnh vực này, các nhà làm phim cần biết “tận dụng” kiến thức và sự hiểu biết sâu rộng của các chuyên gia y tế, chí ít là các bác sĩ đã và đang điều trị căn bệnh này. Như vậy mới tránh được những lỗi ngô nghê trong tác phẩm.
Tất nhiên, ngay cả trong một tác phẩm điện ảnh được xây dựng một cách công phu, tỉ mỉ, đầu tư rất lớn về công sức và tiền bạc còn có những hạt sạn, thì một tác phẩm truyền hình có vài “cục đá” nho nhỏ cũng là điều dễ hiểu. Song, dù là “sạn” hay là “đá” phải là những vấn đề hóc búa, bất khả kháng, chứ không thể quá dễ dãi để lại những lỗi thô thiển khó có thể chấp nhận được. Hãy tôn trọng khán giả, dân trí bây giờ khá cao rồi.
Nhân câu chuyện “lỗi nghiêm trọng” về kiến thức trong bộ phim truyền hình đang trình chiếu mà TS Lã Thị Lan đã nêu, tôi chợt liên hệ tới việc vì sao sau bao năm nền điện ảnh của Việt Nam vẫn lẹt đẹt khó phát triển đến vậy. Từ sau những bộ phim kinh điển như “Cánh đồng hoang”, “Chung một dòng sông”, “Em bé Hà Nội”... điện ảnh Việt Nam hầu như không có tác phẩm nào có thể sống cùng năm tháng. Người ta đổ tại thiếu kinh phí, tôi lại cho rằng do sự dễ dãi khi làm phim, nên không thể cho ra đời tác phẩm đích thực.