Thị trường khí hóa lỏng nhiều kẽ hở
Chế tài thiếu sức răn đe, chưa có giải pháp căn cơ xử lý các vi phạm trong kinh doanh khí hóa lỏng... là nguyên nhân khiến cho thị trường khí hóa lỏng vẫn còn rất lộn xộn, tình trạng sang chiết nạp lậu gas vẫn diễn ra như cơm bữa.
Thị trường khí hóa lỏng (LPG) những năm qua đã liên tục đạt mức tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới và khu vực. Trong năm 2019, tổng sản lượng tiêu thụ LPG của Việt Nam đạt trên 2,3 triệu tấn và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, sản lượng LPG tiêu thụ của Việt Nam đạt trên 1,7 triệu tấn.
Đáng chú ý, theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường bán lẻ LPG chai của Việt Nam tiếp tục giữ thị phần lớn và đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, muốn tham gia thị trường thông qua hình thức đầu tư gián tiếp, góp vốn tại các công ty phân phối, bán lẻ LPG. Đó là những yếu tố cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường khí hóa lỏng nước nhà. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, thị trường LPG vẫn đang tồn tại những bất cập khiến cho các DN ngành này khó có thể phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng.
Nêu lên những bất cập của thị trường LPG hiện nay, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, hạn chế của thị trường này đó là vẫn còn tồn tại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chiếm dụng chai LPG, chiết nạp gas lậu trong khi vẫn chưa có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để. Đặc biệt, hệ thống phân phối LPG, đặc biệt là LPG chai chưa được các DN coi trọng, xây dựng bài bản, thiếu sự gắn kết... dẫn đến những rối rắm, lộn xộn trên thị trường khí hóa lỏng. Bản thân các DN làm ăn chân chính cũng bị tác động rất nhiều bởi những bất cập này.
Nói rõ hơn về thực trạng trên thị trường khí hóa lỏng hiện nay, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, tình trạng một số DN kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các DN có uy tín vẫn xảy ra thường xuyên. Có tình trạng, nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng. Hơn thế nữa, thương hiệu của các DN chân chính cũng bị ảnh hưởng bởi chính những thủ đoạn này.
Ông Minh chỉ rõ: Các đối tượng sang chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng như tận dụng bãi đỗ xe trống trải cách xa khu dân cư, các khu nhà trọ, bãi đất trống, để tiến hành sang chiết gas trực tiếp từ xe bồn chứa LPG vào bình gas loại 12kg một cách nhanh chóng, tiện lợi thu gọn hiện trường hoặc sang chiết gas mini trái phép.
Trong khi đó, bản thân người tiêu dùng cũng không ý thức được những nguy hiểm trong việc sử dụng các sản phẩm bình gas không rõ nguồn gốc, bị chiết nạp lậu trái phép, vẫn dễ dãi tái sử dụng các bình gas mini trên thị trường dù biết chỉ được dùng một lần. Nhiều đại lý, điểm đổi gas nhỏ lẻ vì lợi nhuận đã tái sử dụng chai LPG mini nhiều lần cho dù loại bình đã quá cũ, gỉ sét, bong tróc sơn không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
Do đó, để lành mạnh hóa thị trường LPG trong thời gian tới, ông Minh khuyến nghị người dân trong quá trình sử dụng chai LPG không nên thường xuyên thay đổi chủng loại, nhãn hiệu LPG, tạo điều kiện cho các cửa hàng, trạm chiết nạp tồn trữ chai LPG của thương nhân khác.
Bên cạnh đó, vị này cũng nêu kiến nghị, Hiệp hội Gas Việt Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, nơi có dân trí thấp và cơ hội tiếp cận thông tin hạn chế nhằm nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm khí hóa lỏng của các DN uy tín, để bảo vệ an toàn cho chính bản thân người tiêu dùng.
Để lành mạnh hóa thị trường khí hóa lỏng, giảm thiểu những nguy cơ mất an toàn đối với người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm LPG, giới chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần đưa ra những giải pháp hữu hiệu, lấp những khoảng trống trong thị trường LPG hiện nay, để loại trừ những DN làm ăn bát nháo gây ảnh hưởng xấu đến thị trường khí hóa lỏng. Cùng với đó, tạo hành lang an toàn cho các DN làm ăn chân chính cũng như để người tiêu dùng luôn cảm thấy an tâm khi sử dụng các sản phẩm LPG.