Cụm thi đua Nam Sông Hậu chia sẻ những cách làm hay để giảm nghèo
Chiều 26/11, UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang tổ chức tọa đàm "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai mô hình giảm nghèo và vận động doanh nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới".
Tham dự tọa đàm có đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam 6 tỉnh: An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tập trung thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo.
Trong 3 năm từ năm 2018 – 2020, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí gần 18 tỷ đồng thực hiện 34 mô hình trong đó có 6 tỉnh của cụm thi đua. Việc triển khai Chương trình giảm nghèo đã được sự đồng thuận đánh giá cao của các địa phương, người dân tham gia dự án; các dự án bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo có cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo, hạn chế tái nghèo và nâng chất lượng của người dân đặc biệt là Nhân dân các địa bàn nghèo, miền núi, biên giới,…
Ngoài công tác giảm nghèo, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng được quan tâm. Sau hơn 10 năm triển khai, có thể nói cuộc vận động đã thay đổi lớn đến tâm lý và thói quen tiêu dùng của người Việt và mang lại những kết quả tích cực khi tâm lý tin dùng hàng Việt đã có những bước tiến bộ đáng kể, 90% người dân được hỏi rất quan tâm đến hàng Việt, 70% người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản xuất trong nước; từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam.
Các tập đoàn, doanh nghiệp đã tích cực triển khai các giải pháp, hoạt động hưởng ứng cuộc vận động; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đổi mới công tác quản lý điều hành; thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm; tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, đi đôi liên doanh, liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ có chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu; đưa hàng Việt vào các kênh bán hàng góp phần làm cho tỉ trọng hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước duy trì ở tỉ lệ cao và đảm bảo sự ổn định.
Tại Tọa đàm, đại diện nhiều địa phương đã chia sẻ những cách làm hay, những mô hình giảm nghèo hiệu quả, cũng như công tác thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Kết thúc buổi Tọa đàm, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ghi nhận những ý kiến tham luận xoay quanh các vấn đề về công tác giảm nghèo và công tác thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Các bài phát biểu làm rõ công tác thực hiện của các địa phương đối với việc triển khai các mô hình. Giải pháp quan trọng nhất là tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; Gắn mô hình giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn cho người dân tham gia các mô hình giảm nghèo; đa dạng hóa phong phú các mô hình tìm kiếm các mô hình phù hợp cho các hộ nghèo để phát triển kinh tế.
Đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", bà Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận kiến nghị đề xuất của các địa phương, đồng thời đánh giá cao nỗ lực những đóng góp của Mặt trận và trách nhiệm của doanh nghiệp đã đem hàng Việt đến gần hơn với người Việt, giữ vững niềm tin cho hàng Việt. Chuyển nhận thức tiêu dùng hàng Việt Nam sang tự hào hàng Việt Nam, điều đó cho thấy hàng Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường.