Bạo lực học đường: Ngăn chặn trước hết từ phía người lớn
Bạo lực học đường không chỉ là trăn trở của ngành giáo dục mà còn là nỗi lo của toàn xã hội.
Liên tiếp các vụ việc học sinh bạo hành học sinh, giáo viên bạo hành học sinh được ghi nhận thời gian qua cho thấy vẫn còn khoảng trống trong việc ngăn ngừa việc này từ phía nhà trường.
Không có học sinh cá biệt
Cô Trương Thị Mỹ Phụng, giáo viên Ngữ văn, thành viên Ban Tư vấn học đường Trường THPT Rạch Kiến (Long An) cho biết, nguyên nhân của bạo lực học đường phần lớn là do tâm lý tuổi vị thành niên, chưa biết cách giải quyết mâu thuẫn và không có được những lời khuyên tích cực đúng lúc. Các vấn đề các em thường gặp phải là mặc cảm, bị xúc phạm, xung đột với bạn bè, tình yêu, học tập,...
Trên thực tế, nhiều vụ xô xát bắt nguồn từ những nguyên nhân rất nhỏ nếu được hóa giải hợp lý, đúng lúc thì sẽ tránh được những vụ việc bạo lực xảy ra. Nhưng phản ứng tức thời là điều đa số chúng ta vẫn làm, ngay cả người lớn cũng khó tránh khỏi những phản ứng ngay tại thời điểm đó. Bằng chứng là một số vụ việc thầy cô vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi đánh đập, bạo hành… học sinh mầm non, theo như lý giải của các cô là vì các em ăn chậm, không nghe lời…
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng đã là người thầy thì không thể đáp lại bằng phản ứng tức thời, không tạo ra xung đột, phân thắng thua giữa thầy với trò mà cần tạo một “khoảng lặng” cho các em học sinh có cơ hội, thời gian bình tĩnh, nhìn nhận, tự đánh giá, nhất là trong ứng xử với những học sinh có cá tính nổi trội.
Nhắc lại quan điểm không coi học sinh là hư, là cá biệt, thầy Nguyễn Tùng Lâm khẳng định mọi cá tính của học sinh đều cần được tôn trọng, yêu thương. Bởi mỗi em đến từ những gia đình khác nhau, môi trường sống khác nhau nên tại trường học, môi trường chung tuy có kỷ luật, nội quy như yêu cầu mọi học sinh mặc đồng phục giống nhau nhưng suy nghĩ của mỗi học sinh là khác nhau. Nếu thầy cô dành thời gian để trao đổi, gần gũi với học trò qua những lời hỏi han, quan tâm hoặc góp ý nhẹ nhàng và tế nhị thì chắc hẳn, nhiều xung đột học đường sẽ được hạn chế.
Mỗi nhà giáo là một nhà tâm lý
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho rằng nên nhìn bạo lực học đường dưới góc nhìn tâm lý lứa tuổi HS, tâm lý giáo dục của nhà trường và giải quyết nó dưới góc độ tâm lý giáo dục thay vì thiên về đánh giá đây là nguyên nhân về đạo đức và kỷ luật. Từ đây, mỗi nhà giáo phải phấn đấu là một nhà giáo dục, một nhà tâm lý.
“Một trường học có 60 nhà giáo thì phải có 60 nhà tâm lý chứ nếu cả trường chỉ trông chờ vào 1 - 2 người làm công tác tâm lý cũng không giải quyết được vấn đề” - thầy Hòa nêu quan điểm.
Hiện Bộ GDĐT đang dự thảo quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông với nhiều nội dung mới được hy vọng sẽ góp phần thay đổi vấn nạn này. Theo dự thảo, có nhiều điểm mới trong việc kỷ luật học sinh như: không có hình thức kỷ luật đuổi học, không phê bình trước toàn trường… Mức độ kỷ luật áp dụng cao nhất đối với học sinh đó chính là cho thôi học có thời hạn.
Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về việc cho thôi học có thời hạn thay vì nghỉ học 1 năm như trước đây sẽ không đủ sức răn đe song trên thực tế, đây là cách làm phù hợp vì giáo dục nhà trường cần kết hợp với giáo dục gia đình để uốn nắn, hướng dẫn học sinh. Giáo viên trong nhiều trường hợp là người có khả năng cảm hóa học sinh hơn cả cha mẹ bởi tâm lý chung của con người là “một cái lạ bằng một tạ cái quen”. Một lời khen, một sự ghi nhận của thầy cô có giá trị hơn hàng trăm lời khen của bố mẹ.
Học sinh phải được sống trong môi trường phù hợp với lứa tuổi của mình - đó là trường học thay vì để các em lang thang không ai quản lý hoặc chỉ ở trong nhà dưới sự giám sát của ông bà, cha mẹ mà không giao tiếp với ai.
Tất nhiên, vai trò của gia đình là không thể phủ nhận nhưng nhìn từ phía nhà trường, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội cho rằng cuộc sống thường xảy ra mâu thuẫn, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực không bao giờ là cách đúng đắn, hợp pháp và có hiệu quả. Phụ huynh cần phối hợp với nhà trường ngăn ngừa và xử lý những vụ việc xảy ra thay vì khi con em mình “có chuyện” ở trường, gia đình đưa người đến gây áp lực, thậm chí bạo lực với HS, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường nhằm “bảo vệ” con em mình…