Chống tham nhũng, gấp gáp và mạnh mẽ
Ngày 25/11, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Thông tin tại cuộc họp cho biết, từ sau phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo đến nay đã xử lý dứt điểm 12 vụ án, 4 vụ việc; kết thúc điều tra 13 vụ án/53 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ án/98 bị can; xét xử sơ thẩm 6 vụ án/33 bị cáo; xét xử phúc thẩm 4 vụ án/6 bị cáo.
Trong đó, đã tích cực, khẩn trương kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, có cả cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý và cán bộ liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp; nhất là đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 4 vụ án trọng điểm xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam; tại Công ty Hải Thành, quân chủng Hải quân; dự án 8-12, Lê Duẩn (Q.1,TP HCM); tại Ngân hàng BIDV và một số công ty có liên quan. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 8 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Điều đó cho thấy cuộc đấu tranh xử lý cán bộ sai phạm, tham nhũng ngày càng được đẩy mạnh, đẩy nhanh, không có vùng cấm, cũng không chùng xuống cho dù ở bất cứ thời điểm nào. Sức nóng của cuộc đấu tranh đã thổi bùng lên niềm tin của toàn xã hội với kỷ luật nghiêm minh của Đảng, của pháp luật Nhà nước, rằng cuộc đấu tranh làm trong sạch bộ máy không lúc nào dừng, không ngơi nghỉ.
Rất đáng chú ý trong phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu năm 2020 sắp kết thúc nên đối với một số vụ án, vụ việc còn vướng mắc, đã có trong kế hoạch thì phải tập trung tháo gỡ, đưa ra xét xử sớm trước Đại hội Đảng sắp tới. Phải làm theo đúng tiến độ, vụ nào cũng có cái khó, dù phải làm ngày, làm đêm cũng phải làm, đã đề ra phải làm đúng, không thể xin lùi. Những vụ việc đã rõ thì phải đưa ra xét xử sớm, không chờ.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chính là quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến đấu chống tham nhũng, suy thoái, biến chất, tiêu cực để làm trong sạch bộ máy, trả lại sự công bằng vốn đã bị những kẻ táng tận lương tâm cướp đoạt. Trong năm nay sẽ kết thúc điều tra 5 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 1 vụ án; xét xử sơ thẩm 6 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 12 vụ việc theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Xã hội đang trông chờ những vụ trọng án này được xét xử công khai vì đó cũng chính là những vụ tiêu cực khiến dư luận xã hội căm phẫn, trong đó có thể kể đến vụ Công ty Nhật Cường (Hà Nội), vụ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, vụ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), vụ giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên, vụ tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) liên quan trực tiếp đến Công ty VN Pharma với thuốc ung thư giả.
Thật đáng buồn là trong tất cả những vụ án kể trên đều có bóng dáng của những cán bộ cao cấp, được cho là “chống lưng” để ăn chia. Thực tế từ những vụ trọng án kinh tế đã được xét xử trong vòng 4 năm qua cũng đã khẳng định điều này. Nó không chỉ là lòng tham, sự trục lợi mà còn cho thấy thái độ nghênh ngang coi thường kỉ cương phép nước của không ít đối tượng có chức có quyền. Họ những tưởng đã tạo được cho mình “bộ áo giáp” chắc chắn “đạn không xuyên thủng” nên mặc sức hoành hành, gây hại cho Nước, cho Dân.
Tuy nhiên, không một bộ áo giáp nào có thể che chắn được sai phạm khi mà cuộc chiến chống tham nhũng, chống suy thoái trong bộ máy rừng rực sức nóng. Với quyết tâm không có vùng cấm trong xử lý tiêu cực dù ở bất cứ vị trí công tác nào, thì cũng có nghĩa là sẽ không có “áo giáp” cho bất cứ ai.
Hiện đất nước đã vào thời điểm cuối của năm 2020, một năm rất đặc biệt, xin được nhắc lại sự kiện ngay từ đầu năm. Đó là vào ngày 15/1/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 17 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được bằng lòng với những kết quả đã đạt được; công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu phải chấn chỉnh, đấu tranh đẩy lùi tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng sẽ “làm chậm sự phát triển”, làm “hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, “nhụt chí”, “làm cầm chừng”, “phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Nhìn lại cả một năm 2020, cho dù có rất nhiều công việc bộn bề, nhưng có thể thấy cuộc chiến chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy vẫn tiếp diễn, gấp gáp và mạnh mẽ. Gấp gáp là vì toàn dân trông đợi. Mạnh mẽ là vì đó là cuộc đấu tranh rất cam go, nhụt chí, nản lòng là thất bại. Điều đó đem đến niềm tin cho toàn xã hội. Tin vào Đảng, vào pháp luật Nhà nước và cũng rất tin vào lẽ công bằng.