Sử dụng bằng giả Đại học Đông Đô để làm tiến sĩ: Xử lý như thế nào?
Trong 193 người được trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 trường hợp đã sử dụng bằng. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.
Ngày 23/11, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa thông báo kết luận điều tra vụ án "Giả mạo trong công tác” tại trường Đại học Đông Đô, đồng thời đã đề nghị Viện KSND tối cao truy tố các bị can nguyên cán bộ của trường này gồm: Dương Văn Hòa - nguyên Hiệu trưởng, Trần Kim Oanh - nguyên Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện đào tạo liên tục), Lê Ngọc Hà - Phó Hiệu trưởng, Trần Ngọc Quang - nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên cùng 6 bị can khác.
Theo kết luận điều tra, Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh. Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2017, các bị can đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.
Căn cứ tài liệu thu giữ được, Cơ quan điều tra xác định Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.
Trong đó, có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng. Có 23 người tham gia học tập tại các cơ sở nhưng do Đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nên số bằng đã cấp cho những người này không có giá trị.
Đối với 193 người được trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 trường hợp đã sử dụng bằng. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ.
Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ vi phạm theo quy định đối với 58 trường hợp sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô.
Sử dụng bằng giả để làm tiến sĩ có thể bị xử phạt hành chính, hủy bỏ kết quả?
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Với những người đã mua bằng, sau đó sử dụng vào việc bổ túc hồ sơ để bảo vệ luận án tiến sĩ, hoặc bổ túc hồ sơ công chức thì có thể hủy bỏ kết quả này, trừ trường hợp người sử dụng bằng không nhận thức được là bằng giả và đã bổ sung các chứng chỉ, bằng cấp khác để chứng minh trình độ ngoại ngữ của mình.
Trường hợp người sử dụng chứng chỉ bằng cấp không đúng quy định nhưng không nhận thức được đó là bằng giả, trình độ của họ đủ điều kiện, họ bổ sung kịp thời bằng cấp chứng chỉ thì vẫn có thể ghi nhận trình độ của họ. Trường hợp họ biết làm giấy tờ giả nhưng vẫn cố tình sử dụng thì mới bị hồi bỏ kết quả và có thể bị xem xét xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Cường phân tích, Bộ luật Hình sự trước đây quy định là hành vi sử dụng tài liệu giả để “lừa dối cơ quan chức năng” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên kể từ 1/1/2018, bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật thì “sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật” thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về điều luật này nên rất khó để xác định việc bổ túc hồ sơ có được cho là hành vi trái pháp luật hay không. Nếu sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện các hành vi phi pháp thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn việc sử dụng giấy tờ giả vào các thủ tục hành chính, pháp lý thì rất khó để xác định là hành vi trái pháp luật. “Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét làm rõ ý thức chủ quan của người sử dụng bằng cấp này và hành vi đó được xác định là trái pháp luật hay không mới có cơ sở để xác định có xử lý hình sự hay không”, Luật sư Cường cho biết thêm.
Đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt với mức tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng; đồng thời bị tịch thu Văn bằng, chứng chỉ giả…
Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự .”