Sáu họa sĩ tìm về Tháng Chạp
Sáu họa sĩ - sáu cách sáng tạo khác nhau, cùng bày chung một triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Tháng Chạp” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Sáu cá tính hội họa mới mẻ: Nguyễn Quý Dương, Nguyễn Trương Quý, Lương Hiện, Nguyễn Bá Kiên, Thái Phạm, Nguyễn Ngọc Phương được ví như 6 mặt khối rubik, mỗi mặt một cách nhìn thế giới sẽ mang tới triển lãm "Tháng Chạp" 53 tác phẩm được vẽ bằng nhiều chất liệu: sơn dầu, màu nước, lụa…
Đó là Nguyễn Quý Dương từng khoác áo lính đảo Trường Sa. Tác phẩm của anh là một góc nhìn hiện thực khỏe khoắn và đầy chất lãng mạn của một tâm hồn mở rộng với thiên nhiên, dù là cảnh biển cả nơi anh đã trải qua thời tuổi trẻ hay những ngõ phố Hà Nội, nơi anh tìm thấy vẻ đẹp mộc mạc gợi niềm hoài cổ. Tình yêu dành cho hội họa của anh là một tình yêu vô tư. Anh chọn cái nhìn trong sáng và lạc quan, vẫn rực rỡ ngay cả khi vẽ những dáng người cần lao của đời sống thường nhật.
Những bức tranh tham gia triển lãm của Nguyễn Trương Quý xuất phát từ ý niệm diễn tả cuộc đối thoại tưởng tượng giữa con người với những mảnh vỡ của quá khứ. Thông qua việc lấy cảm hứng từ những hiện vật kinh điển của điêu khắc Hy-La cổ đại, Quý muốn tìm một đường dây vô hình gắn kết thẩm mỹ con người hiện đại với quá khứ, không phân biệt vùng địa lý văn hóa. Là một người viết văn, Quý vẽ với một tâm thế đồng hiện không gian sáng tạo thứ hai của mình trên mặt toan tranh sơn dầu.
Đó còn là Thái Phạm sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc và đam mê hội họa như một chốn trước hết đem lại niềm hạnh phúc đặc biệt trong đời sống. Anh bình tĩnh chọn góc nhìn tươi tắn và đầy năng lượng khi ghi lại khung cảnh thiên nhiên của phố phường, mặt nước, nắng gió. Ở anh là một Hà Nội của ngày hôm nay, vẫn có những khoảng lắng giữa khung cảnh biến đổi gấp gáp. Sự dịu dàng và bình dị của cảnh thiên nhiên dường như tìm thấy người tri kỷ trong tranh Thái Phạm.
Còn Nguyễn Bá Kiên đem lại một năng lượng căng đầy và có chút bụi bặm trong góc nhìn của mình. Anh đã bắt nguồn từ một định đề của 10 năm trước, khi anh được một nhà Lý luận phê bình Mỹ thuật viết tặng thảo thư “Mộng đời thường”. Sự nam tính của góc nhìn khiến tranh của Kiên gây ấn tượng của một sức nặng suy tư.
Nguyễn Ngọc Phương chọn một chất liệu riêng: màu nước. Sự nhẹ nhõm và dường như vô ưu khiến cho tranh của anh luôn có dáng vẻ mơ màng. Là một kiến trúc sư, nhưng khi anh vẽ, anh không nệ vào những đường nét kiến trúc của công trình mà anh tìm thấy vẻ đẹp của những bông hoa ven đường hay những bông quỳnh nở về đêm.
Trong khi đó, bằng thể loại tranh lụa, Lương Hiện vừa diễn tả vẻ đẹp mềm mại của cơ thể phụ nữ, vừa phô bày một cá tính táo bạo. Nữ họa sĩ gọi không gian thẩm mỹ của mình là “vườn địa đàng của phái đẹp”.
Mỗi người một cách biểu đạt. Mỗi người lại chọn cho mình những chất liệu riêng để thể hiện cách nhìn riêng. Họ có nhiều cái riêng, nhưng chung một điểm: thể hiện cách nhìn cái đẹp của thế giới đúng với mình nhất.
Vẽ với những phong cách và chất liệu khác nhau, song ở họ có điểm chung là thể hiện cái nhìn ra thế giới trung thành với bản ngã nhất. Tinh thần yêu vẻ đẹp tự nhiên, những gì gần gũi với tâm hồn, là một nét chủ đạo của “Tháng Chạp”.
Tìm về “Tháng Chạp” cũng là cách các họa sĩ nhìn lại một năm nhiều biến động và mong chờ một năm mới nhiều hi vọng.
Triển lãm khai mạc vào sáng ngày 2 đến 8/12 tại tầng 2 Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.