Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung liên kết phát triển du lịch
Chiều 27/11, tại tỉnh Quảng Nam, Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã được khai mạc với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa”.
Đến dự diễn đàn có, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và các Bộ, ban, ngành Trung ương, Tổng cục Du lịch; cơ quan lãnh sự các nước; lãnh đạo Đảng và chính quyền, sở, ngành các tỉnh, thành phố như Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi,
Bình Định với diện tích tự nhiên toàn vùng 28.114 km2, dân số khoảng trên 6,3 triệu người, có vị trí địa lý kinh tế chính trị rất thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và biển; địa hình đa dạng, trải dài gần 600km bờ biển, hơn 228km biên giới đường bộ tiếp giáp với Lào.
Đây là vùng kinh tế lớn thứ 3 tại Việt Nam, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, với 4 sân bay Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, 5 cảng biển gồm Chân Mây, Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quốc, Nhơn Hội ); có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng về du lịch; trong đó tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn; tiềm năng du lịch di sản (3/5 di sản văn hóa vật thể thế giới ở Việt Nam)
Tài nguyên du lịch núi rừng phong phú với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác, hồ nổi tiếng. Ngoài ra, toàn khu vực còn có nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn; là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em - những chủ nhân đã và đang xây dựng nên một bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc bậc nhất của Việt Nam hiện nay.
Với những lợi thế trên, là cơ sở để Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có đầy đủ các yếu tố tiềm năng, lợi thế trong liên kết, hợp tác du lịch với Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi, thu hút khách du lịch nội địa và chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trong thời gian đến.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch của các tỉnh, thành phố và các vùng, miền trong cả nước, phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; tỉnh Quảng Nam cùng các tỉnh, thành phố cam kết sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng hệ thống du lịch thông minh, đẩy mạnh tính liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch;…
“Chúng tôi rất mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương có định hướng, giải pháp mạnh mẽ, đột phá để các địa phương, vùng kinh tế khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mình liên kết phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và xu thế hội nhập và phát triển”-ông Thanh nói.
Tại đây, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã thảo luận, ký kết Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng giai đoạn 2020-2025 và thông qua kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng giai đoạn 2020-2021.
Còn ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay, trong những năm qua, sự liên kết phát triển của 5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch đã đạt được những kết quả khả quan với lượng khách du lịch từ TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Trung không ngừng tăng cao, tác động tích cực vào sự phát triển du lịch của các tỉnh, thành. Tuy nhiên, việc liên kết chỉ phát triển nội vùng, chưa có liên kết điểm mới, thị trường mới. Ngoài ra, sự liên kết đối với các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh du lịch vốn có của các địa phương.
Cũng theo ông Liêm, diễn đàn hôm nay, bên cạnh các nội dung thỏa thuận đã được lãnh đạo các tỉnh, thành phố thảo luận, TP Hồ Chí Minh nhận thấy cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng vào các nội dung trong tâm như: Phấn đấu tăng tỷ lệ khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội đến Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và ngược lại; Công tác phát triển sản phẩm du lịch gắn với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Đặc biệt chú trọng phối hợp để tổ chức có hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch vùng;…
Đúng vậy, chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa lãnh đạo các tỉnh, thành, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Các Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch của các vùng tập trung vào 4 nội dung chính, gồm công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch.
Các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi thông tin nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng, hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú và phát huy được lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch.
Cũng tại Diễn đàn, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã trao tặng kinh phí hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ ở các tỉnh hơn gần 30 tỉ đồng, trong đó Quảng Nam hơn 10,6 tỷ đồng, Quảng Ngãi hơn 8,7 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế 7 tỷ đồng, Bình Định 3 tỷ đồng, TP Đà Nẵng 200 triệu đồng.