Đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh: Hãy công bằng khi nói về nhà văn
Sau Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X kết thúc, Nhà văn, đại tá quân đội Sương Nguyệt Minh- nguyên Trưởng ban Văn xuôi tạp chí Văn nghệ Quân đội, tác giả của tiểu thuyết Miền hoang và các tập truyện ngắn nổi tiếng như Dị hương, Mười ba bến nước... đã có chia sẻ tâm tư trên trang cá nhân về ý kiến dư luận xã hội xung quanh không khí Đại hội Hội Nhà văn. Và ông cũng đã đồng ý trao đổi lại các ý kiến này cùng phóng viên báo Đại Đoàn kết.
PV: Về mặt không khí của Đại hội mà dư luận trên mạng xã hội mang ra có vẻ như là giễu nhại các nhà văn thì ông có thấy Đại hội lần này khác gì không khí mọi lần không? Hay Đại hội Hội Nhà văn vốn là như thế?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Thì vẫn vui vẻ. Tay bắt mặt mừng, thân mật thân ái và… chụp ảnh từng bừng. Đi Đại hội là trách nhiệm đại biểu, nhưng cũng là dịp bạn bè văn chương cả nước gặp nhau. Tôi dự đầy đủ các chương trình của Đại hội lần này. Dù có những cái chưa được, dù dư luận “có vẻ như là giễu nhại các nhà văn” nhưng tôi thấy về cơ bản thì ổn hơn các lần trước, tổ chức chặt chẽ hơn, chuyên nghiệp hơn lần trước.
Thưa ông, có cảm tưởng thế này, không nhiều nhà văn có “tâm tư” như ông về những ý kiến trên mạng xã hội về không khí có phần “suồng sã” ở Đại hội Hội Nhà văn vừa rồi?
- Tôi thấy kỳ lạ là thời buổi này ai cũng cho mình cái quyền được “chửi mắng”, được “dạy dỗ” các nhà văn. Nhà văn vào hội rồi, nhà văn chưa vào hội cũng bị chửi tuốt. “Chửi” bất tài vô dụng. “Chửi” cả nền văn học tốn thuế dân nuôi, bói không ra một tác phẩm lớn xứng đáng với các cuộc chống xâm lăng thần thánh của dân tộc và sự nghiệp đổi mới đang trên đà thành công...
“Chửi rằng” mỗi ông nhà văn là một gã tiều phu đốn rừng, “chửi” mỗi ông nhà thơ là một người trữ giấy lộn. “Chửi” bất tài, ăn hại, tiêu hoang tiền thuế của dân. “Chửi” viết lách “dặt dẹo”, “lìu tìu”... thì đến bao giờ mới được giải thưởng Nobel?
-Tài thật. Ai cũng chửi được nhà văn!
Nhưng thực lòng, ông thấy việc người ta phán xét ấy có phần nhiều là “oan” không?
- Thực ra, nhà văn bị chửi mắng cũng có phần không oan. Chỉ có bỏ phiếu bầu BCH ở Đại hội thôi, mà cũng chen nhau như mua gạo thời bao cấp. Chỉ có bỏ phiếu thôi mà bảo không gạch chân như thông lệ, chỉ nên khuyên tròn, kẻo làm tổn thương người bị gạch. Nhà văn mà suy nghĩ hồn nhiên thế, thì bị “chửi” cũng chẳng oan.
Các điều bị “chửi” thì đều có cả, không ở ông nhà văn nọ thì ở bà nhà văn kia. Nhưng, không phải là tất cả. Tôi xin nói rất rõ là không phải là tất cả!
Nghĩa là thưa ông, cũng có lúc có chỗ có những vấn đề như thế, nhưng trên tất cả vẫn có những nhà văn đích thực, tài năng đích thực?
- Phải thừa nhận rằng có chuyện có người vào hội kiếm tí danh, viết lách lởm khởm, sắp chữ trên giấy cũng chẳng nên hồn, vẫn cố “chạy” làm suất hội viên, rồi đem cái thẻ hội viên đi khoe khắp nước, còn lấy oai với bạn nghề chưa vào hội, chưa muốn vào hội. Nhưng, cũng có nhiều người âm thầm, lặng lẽ vật lộn với trang giấy và đau lòng với nhiều cái xấu, cái ác, với sự bất công trong xã hội...
Có kẻ háo danh, hãnh tiến, thất bại, chẳng làm trò trống gì ở các ngành khác, nghề khác rồi mới chạy vào văn chương kiếm tí danh hão. Có người đã công thành doanh toại, là quan chức tiền nhiều bạc lắm, là đại gia của nả bề bề, cuối đời vẫn chạy vào Hội Nhà văn kiếm cái danh hội viên làm đồ trang sức. Nhưng, cũng nhiều người yêu văn chương, sống với văn chương, không viết không chịu nổi, đêm ngày bứt dứt giày vò...
Có người đớn hèn, ngòi bút dặt dẹo, nhưng cũng có nhiều nhà văn tầm cỡ và khí phách như ông Bảo Ninh viết Nỗi buồn chiến tranh, nhà văn Nguyễn Bình Phương viết Mình và Họ, nhà văn Nguyễn Một viết Ngược mặt trời...
Có người lấy văn chương làm sân chơi, nhưng cũng nhiều người coi văn chương là công cụ thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm với cộng đồng, lấy tác phẩm về số phận con người, nhân dân, dân tộc, đất nước... làm mục đích chân chính.
Có người viết bởi hoang tưởng, khoe khoang, mưu dành cầu lợi, nhưng cũng có người viết chỉ để thỏa mãn niềm yêu thích cá nhân, viết như một nhu cầu giải tỏa ẩn ức thực tại...
Trăm ngàn con đường đến với nghề viết và cái danh nhà văn.
Thưa ông, ông vừa nói đến cái danh nhà văn. Với tư cách bạn đọc thì nhiều người vẫn quan niệm rằng những nhà văn viết những tác phẩm hay ho như thế, đẹp đẽ như thế tất phải là những người duy mỹ, lịch lãm trong từng lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, cách ăn mặc. Văn là người mà...
- Tôi nghĩ rằng hãy công bằng khi nói về nhà văn. Nhà văn là cái danh, nhưng cũng mặc định một công việc - sáng tạo. Nhà văn trước hết là con người bình thường cũng đủ hỉ nộ ái ố, tham sân si...
Không tự nhiên sinh ra nhà văn. Nhà văn sinh ra từ gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước. Tại sao các nhà văn lớn của nhân loại phần nhiều ở châu Âu và nước Mỹ? Có phải do địa linh sinh nhân kiệt? Việt Nam đã phải là đất linh của quả đất chưa? Văn hoá dân tộc đã đủ lớn và nền tảng xã hội đã thực sự để sinh ra nhà văn khổng lồ chưa?
Hành trang nhà văn đang mang có những gì từ văn hóa dân tộc, chế độ xã hội từ ngàn năm nay để lại?...
Vậy theo ông khi nhìn lại những hình ảnh có thể tạm gọi là xấu xí một số người đưa trên mạng xã hội thì ông có suy nghĩ như nào? Có phải chính các nhà văn cũng phải có những quan niệm lại, nhà văn không thể mãi đồng nghĩa với nghèo (thế giới đang có nhiều người viết văn học mạng rất giàu có), với tự làm xấu hình ảnh mình đi?
- Đúng là nhà văn sơ ý khi ngồi, khi nói năng, hay ăn mặc xộc xệch khi đến đại hội, nhưng tôi thấy hầu hết là ăn mặc đẹp, lịch sự, nói năng nhã nhặn, thân mật, vui vẻ.
Đúng là nhiều người chen chúc bỏ phiếu, gây nên tình trạng hỗn loạn nhất thời. Nhưng vẫn còn nhiều người lặng lẽ, nhẫn nại ngồi ở dưới chờ hết chen chúc, mới đi bỏ phiếu và xếp hàng trong trật tự (dĩ nhiên là tôi và đoàn nhà văn quân đội cũng trong số này).
Ông Lênin ngày trước nói: “Nếu cho tôi một tổ chức mạnh, tôi sẽ làm đảo lộn nước Nga”. Cái chưa ổn này, thuộc công tác tổ chức. Nếu quy định và điều hành từng đoàn lên bỏ phiếu theo cuốn chiếu, theo nước chảy xuôi một dòng thì chắc chắn không chen chúc như thế.
Thôi, đừng lấy cái điểm để đánh giá cái diện, đừng lấy cái bộ phận đánh giá cái toàn phần, sẽ thành lệch lạc. Nhà văn cũng là con người bình thường, nhưng có lẽ mọi người yêu cầu các nhà văn quá cao, mà họ chưa đáp ứng được kì vọng ấy, nên bị chê cười và thất vọng, chứ thực ra cũng không tệ đến mức phải đem ra thành đối tượng để giễu nhại.
Còn một điều nữa: Nhà văn bây giờ không nghèo đến mức bệ rạc, nhếch nhác, thậm chí nhiều nhà văn giàu từ ngòi bút chân chính. Họ cũng biết giữ gìn hình ảnh, danh dự của mình. Tôi nhìn đồng nghiệp ở cái nhìn tươi sáng, và hi vọng hơn là tiêu cực.
Trân trọng cảm ơn nhà văn!