Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu chưa tác động đến thị trường lao động
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu áp dụng từ đầu năm 2021.Theo hướng dẫn của Nghị định này, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường theo Khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019 được quy định cụ thể như sau:
Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Nghị định cũng quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của NLĐ theo Khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động. Cụ thể, NLĐ thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:
Thứ nhất, NLĐ có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTB&XH ban hành.
Thứ hai, NLĐ có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021 .
Bộ trưởng LĐTB&XH ban hành danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Thứ tư, NLĐ có tổng thời gian làm nghề, công việc quy định tại điểm thứ nhất và thời gian làm việc ở vùng quy định tại điểm thứ hai ở trên từ đủ 15 năm trở lên.
NLĐ có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu .
Việc chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ quy định tại điểm trên đây thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương III của Bộ luật Lao động và quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH).
Nghị định cũng có một số quy định chuyển tiếp. Cụ thể, từ ngày 1/1/2021, các quy định của chế độ hưu trí gắn với điều kiện về tuổi hưởng lương hưu theo Điều 54, 55, Khoản 1 Điều 73 của Luật BHXH được thực hiện theo tuổi nghỉ hưu và điều kiện tuổi hưởng lương hưu tại Điều 169, Khoản 1 Điều 219 của Bộ luật Lao động và quy định tại Nghị định này.
Đối với lao động nam sinh tháng 12 năm 1960 và lao động nữ sinh tháng 12 năm 1965 làm việc trong điều kiện lao động bình thường, thời điểm nghỉ hưu là kết thúc ngày 31/12/2020. Thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1/1/2021.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Hiện cả nước có khoảng 3,2 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.
Nhận định về nguyên tắc hướng dẫn Nghị định 135/2020/NĐ-CP, ông Phạm Trường Giang- Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, hướng dẫn Nghị định phải theo đúng Bộ luật Lao động. Ví dụ, nam giới tuổi nghỉ hưu năm 2021 là 60 tuổi 3 tháng, tuổi nghỉ hưu năm 2022 là 60 tuổi 6 tháng...
Nghị định hướng dẫn cũng phải tuân theo nguyên tắc và quy luật này. Do đó, những người sinh tháng 10/1961 sẽ nghỉ hưu tính từ ngày 30/10/2021 và hưởng lương hưu từ ngày 1/11/2021. Vì tăng tuổi hưu cộng thêm 3 tháng, như vậy sẽ cộng thêm tháng 12/2021, tháng 1/2022 và tháng 2/2022, tức là lấn sang năm 2022 mới nghỉ hưu. Như vậy, tuổi hưu sẽ không còn là 60 tuổi 3 tháng nữa, mà thành 60 tuổi 6 tháng.
Cũng theo ông Giang, Nghị định 135/2020/NĐ-CP ra đời với những quy định chi tiết, cụ thể về tuổi hưu sẽ giúp Việt Nam ứng phó với già hóa dân số, khi đến năm 2030, Việt Nam có tới 20% dân số là người cao tuổi.
Các quy định này cũng tạo điều kiện cho NLĐ được cống hiến thêm, gia tăng lực lượng lao động cho thị trường lao động và giúp gia tăng chất lượng cuộc sống của những người nghỉ hưu. “Với lộ trình này, không hề có sự tác động lớn đến thị trường lao động, bởi mỗi năm chỉ tăng thêm 8.000-9.000 người. Điều này còn rất ý nghĩa trong bối cảnh DN khó tuyển dụng lao động”, ông Giang nói.