Xạ trị chiếm ưu thế
Ngày 27/11, Bệnh viện K và Hội Ung thư Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia “Tiến bộ trong xạ trị ung thư”. Đây là Hội thảo quốc gia đầu tiên về chuyên ngành xạ trị nhằm kết nối cán bộ y tế làm công tác xạ trị trong cả nước và các chuyên gia quốc tế.
Tại Hội thảo, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh: Hội thảo “Tiến bộ trong xạ trị ung thư” diễn ra nhằm kết nối cán bộ y tế làm công tác xạ trị trong cả nước và các chuyên gia quốc tế về hội tụ.
Qua đó chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cũng như cùng nhau cập nhật những kiến thức mới nhất về xạ trị của thế giới với hy vọng góp phần thúc đẩy trình độ chuyên môn, tạo sự đoàn kết, tìm tiếng nói chung cho chuyên ngành xạ trị ung thư để đóng góp phần nhiều hơn nữa trong công tác phòng chống ung thư.
Cũng theo PGS Quảng: Ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Công tác phòng chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học trên thế giới, không những đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật chuyên môn hiện đại, cập nhật của các y bác sỹ, mà còn đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân người bệnh, gia đình, sự hỗ tích cực từ xã hội, cộng đồng.
Xạ trị là một trong 3 phương pháp điều trị kinh điển (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị) ngày càng tỏ rõ tầm quan trọng không thể thiếu trong điều trị bệnh ung thư. Ưu thế của xạ trị là gần như không có chống chỉ định và có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh, kể cả với mục đích điều trị triệt căn đến điều trị giảm nhẹ triệu chứng cho ung thư giai đoạn cuối. Hiện tại theo ước tính trong điều trị ung thư nói chung, xạ trị đóng góp khoảng xấp xỉ 50%. Hiện Bệnh viện K mỗi ngày có khoảng 800-900 lượt bệnh nhân sử dụng phương pháp này.
Tại Hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Từ cơ sở đầu tiên là Viện Curie Đông Dương (tiền thân của Bệnh viện K) được thành lập năm 1923, nơi nhà bác học Marie Curie từng đặt chân tới và mang những ống radium đầu tiên đặt tại nơi đây làm cơ sở điều trị phóng xạ ở Đông Dương.
Đến nay, trên cả nước đã có 42 khoa, trung tâm có thiết bị xạ trị với tổng số 75 máy xạ trị gia tốc các thế hệ. Một số trung tâm lớn có thể triển khai các kỹ thuật xạ trị hiện đại như: Xạ trị theo hình khối u (3D-CRT); xạ trị điều biến liều (IMRT); xạ trị hướng dẫn ảnh (IGRT); xạ trị điều biến theo thể tích hình cung (VMAT); xạ trị có kiểm soát theo nhịp thở (ABC), Gamma knife …
Triển khai phối hợp điều trị đa phương thức nhất là hóa xạ trị kết hợp trong nhiều loại bệnh ung thư với mục đích bảo tồn cơ quan, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh đồng thời tăng kiểm soát bệnh cũng như thời gian sống thêm sau điều trị. Cùng với trang thiết bị, đội ngũ nhân lực cũng ngày càng lớn mạnh và chuyên sâu, chuyên nghiệp với 226 Bác sĩ xạ trị, 156 Kỹ sư vật lý xạ trị và 266 Kỹ thuật viên vận hành máy xạ trị trên cả nước đã cho thấy sự phát triển không ngừng của chuyên ngành xạ trị Việt Nam. Rất nhiều câu chuyện cổ tích giữa đời thường đã viết nên từ các bệnh viện, trung tâm, khoa ung bướu trên cả nước.
Do đó, theo ông Thuấn, để đạt được hiệu quả điều trị bệnh cao nhất, Bệnh viện K và các bệnh viện cần phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam phải làm tốt công tác kết nối giữa các khoa Xạ trong các bệnh viện cũng như phối kết hợp với các trung tâm, khoa, bộ phận xạ trị của các bệnh viện, trung tâm, khoa xạ trong cả nước.
Hai là, Bệnh viện K, các bệnh viện cần phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam hoàn thiện chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, chuẩn hóa các phác đồ điều trị chuyên ngành ung thư, đặc biệt là lĩnh vực Xạ trị cho các đối tượng BS, Kỹ sư, KTV.
Ba là, Bệnh viện K, các bệnh viện cần phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều bệnh viện, tổ chức, hội chuyên khoa và trung tâm ung bướu quốc tế trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong xạ trị, nâng cao chất lượng chuyên môn cho khối Xạ, ngoài ra còn nâng cấp các trang thiết bị máy móc phục vụ cho công tác điều trị, như hệ thống Proton, Ion nặng.
“Hội thảo này sẽ là diễn đàn quan trọng để các đồng nghiệp trong nước cùng các chuyên gia quốc tế cùng bàn luận được một bức tranh đầy đủ hơn về lĩnh vực xạ trị ung thư và đạt được mục tiêu quan trọng nhất là định hướng đường lối và chiến lược phát triển lĩnh vực xạ trị ung thư tại Việt Nam”, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.