Có những vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản đạt 100%
Ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin tại Hội thảo khoa học về kết quả công tác phòng chống tham nhũng sáng 28/11 rằng, công tác thu hồi tài sản tham nhũng được tăng cao qua các năm. Có những vụ án thu hồi tài sản đạt 100%.
Ông Ngọc cho biết: Trong nhiệm kỳ qua cơ quan điều tra đã tập trung làm rõ những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, kể cả các vụ án tồn đọng đã được xử lý dứt điểm, nghiêm minh, không có sự thiếu kiên quyết kéo dài, chìm xuồng.
Trong nhiệm kỳ qua đã xử lý 17 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, 3 bộ trưởng, 1 Ủy viên Bộ Chính trị, chưa kể các tướng lĩnh sỹ quan trong lực lượng công an, quân đội.
Trong các vụ án, mức án rất nghiêm minh có cả án chung thân và tử hình như các vụ: Dương Chí Dũng, Nguyễn Bắc Son, Châu Thị Thu Nga - cựu ĐBQH.
Ông Ngọc cũng cho biết, thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước.Có những vụ án thu hồi tài sản đạt 100% như vụ Hứa Thị Phấn, vụ Mobifone. Vụ Hứa Thị Phấn, tài sản bị tẩu tán ra nước ngoài hơn 10 triệu USD nhưng đã được thu hồi.
Vụ Mobifone đã thu được hơn hàng tỷ đồng ngay từ lúc phát hiện. Sau đó khi đưa ra xét xử đối với ông Nguyễn Bắc Son thì đã thu được 9.000 tỷ đồng, còn trong quá trình xét xử, gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã tự giác nộp 137 tỷ đồng cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ông Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho rằng, từ năm 2013 đến nay vấn đề thu hồi tài đã được nâng cao qua các năm. Các vụ án nằm trong diện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN có kết quả thu hồi tài sản rất cao.
“Trong vụ án tham nhũng có hình sự là con người với các hình phạt, phần còn lại là dân sự trong vụ án hình sự. Nếu chỉ giải quyết hình sự thì chỉ giải quyết được 1 nửa của vụ án tham nhũng. Do đó vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng đã được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ qua. Năm sau thu hồi cao hơn so với năm trước” - ông Khôi cho hay.
Theo ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao, cần quan tâm đến thu hồi tài sản tham nhũng. Trong thời gian qua chưa bao giờ thu hồi tài sản tham nhũng đạt được cao như hiện nay. Đó chính là sự tổng hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên phong tỏa tài sản. Bên cạnh đó đã quan tâm đến việc tẩu tán tài sản ra nước ngoài của người vi phạm và những người có liên quan.
Trong thời gian tới, ông Tiến cho rằng, cần tháo gỡ vấn đề thu hồi tài sản, nếu thu hồi chậm thì lãng phí khiến “đóng băng” tài sản. Có những vụ án xét xử xong nhưng để 5-7 năm không thu hồi được tài sản.
“Ở Pháp khi có dấu hiệu phạm tội là họ thu hồi tài sản lại để vận hành, nếu về sau phát hiện oan sai thì họ bồi thường. Tài sản do bao người đóng góp vào. Chúng ta đừng để đóng băng tài sản, làm sao để có lợi cho nhà nước và các cá nhân. Kinh nghiệm quý báu của các nước, rất cần được chúng ta nghiên cứu học tập” - ông Tiến cho hay.