Cầu nối Việt Nam với thế giới
Những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nói chung và những chính sách liên quan đến quyền lợi thiết thực của kiều bào như đầu tư, thu hút FDI, hồi hương, mua nhà ở Việt Nam, chính sách cho nhà khoa học kiều bào về nước làm việc... thể hiện đậm nét sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Những chính sách này đã tạo niềm tin cũng như thuận lợi cho các thế hệ kiều bào muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ý kiến này đã được các kiều bào tiêu biểu nhấn mạnh tại Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW và phát triển đất nước trong tình hình mới”, tổ chức cuối tuần qua với sự tham dự của hơn 100 kiều bào từ 19 quốc gia đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
1. Hiện nay, có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống và làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 80% trong số đó ở các nước phát triển. Có thể khẳng định, cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương và trở thành một trong những nguồn lực quan trọng cho quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Minh chứng rõ rệt nhất là lượng kiều hối trong 5 năm gần đây đã đạt hơn 71 tỷ USD (tăng trưởng trung bình 6%/năm). Và cũng tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mang tầm cỡ khu vực do những doanh nhân người Việt ở nước ngoài về nước thành lập, điều hành đã góp phần tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, ngày càng có nhiều nhà khoa học, doanh nhân, các văn nghệ sĩ kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hoạt động văn hóa, nghệ thuật..., tích cực tham gia ý kiến vào nhiều chủ trương chính sách của Nhà nước, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng…
Đáng chú ý, thời gian gần đây, thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài, kể cả những người đã định cư và có công việc ổn định ở nước ngoài, về nước lập nghiệp đã trở thành xu hướng mới; hình thành mạng lưới kiều bào trẻ, thúc đẩy nhiều ý tưởng, sáng kiến đóng góp cho đất nước. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang đóng vai trò tích cực, là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Nhiều doanh nghiệp người Việt đã liên kết, thúc đẩy thương mại, đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế, quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước tới bạn bè thế giới.
Đặc biệt trong thời gian qua, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn gây ra bởi dịch Covid-19 nhưng kiều bào vẫn thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, đồng hành cùng người dân trong nước khắc phục hậu quả thiên tai và dịch bệnh. Trong đợt quyên góp hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, ước tính hơn 34 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa đã được cộng đồng người Việt ở nước ngoài quyên góp gửi về.
Đồng hành cùng nhân dân cả nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, kiều bào đã tổ chức các buổi triển lãm, hội thảo về Biển Đông, quyên góp tiền và hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng ủng hộ “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”, qua đó góp phần củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong mặt trận đấu tranh giữ vững hoà bình, ổn định và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
2. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ý kiến kiều bào cũng cho biết quá trình đầu tư về nước vẫn còn một số hạn chế và khó khăn như thủ tục hành chính ở một số địa phương chưa thống nhất, việc phát huy nguồn lực của kiều bào còn chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu mới là kiều hối, đầu tư ở một số ngành trong nước. Ngoài ra, chính sách cho trí thức kiều bào còn chưa cụ thể, kinh phí đầu tư, điều kiện sinh hoạt và nghiên cứu cho kiều bào còn hạn chế, việc xác định nhiệm vụ khoa học ưu tiên chưa cụ thể, môi trường làm việc còn hạn chế, thiếu kết nối...
Ông Nguyễn Hoài Bắc - doanh nhân Việt kiều Canada chia sẻ rằng: Việt kiều cần lắm một chính sách thực sự thông thoáng về đầu tư và khởi nghiệp tại Việt Nam, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Nhà nước đã chấp thuận cho Việt kiều được hồi hương và một số trường hợp được mang hai quốc tịch, nhưng nguyện vọng của họ được hồi hương có khi vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều đại biểu kiều bào mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục tham mưu, kiến nghị, đề xuất lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách mới, chia sẻ thông tin hai chiều, có chính sách thông thoáng hơn nữa liên quan đến quốc tịch, thu hút đầu tư, mở doanh nghiệp; hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho bà con toàn thế giới, hỗ trợ hoạt động của các nhóm trí thức doanh nhân, tập đoàn khoa học công nghệ tư nhân và có chiến lược đào tạo nguồn lực dài hạn; xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối phù hợp trong các lĩnh vực trọng tâm để kiều bào và các cơ quan có thể sử dụng và có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để đẩy mạnh triển khai công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ, Việt kiều Nga, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT cho biết, hiện nay, chúng ta có khoảng hơn 500.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên trên khắp các vùng lãnh thổ và châu lục, trong đó có những nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn... Sử dụng hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Mặc dù vậy, thực tế thu hút trí thức kiều bào đóng góp cho hợp tác phát triển khoa học công nghệ thời gian qua cho thấy vẫn còn một số khó khăn, thiếu sót cơ bản cần phải sớm khắc phục.
Thời gian qua đã có rất nhiều hoạt động có ý nghĩa gắn kết kiều bào, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó với quê hương như: Chương trình Xuân Quê hương, Đoàn đại biểu kiều bào thăm Trường Sa, Trại hè cho thanh niên, sinh viên, gặp mặt kiều bào nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Văn hóa Việt Nam, chương trình biểu diễn nghệ thuật, kỷ niệm các lễ lớn của đất nước… Nhiều cá nhân từng có thành kiến, định kiến đã được vận động thuyết phục và tạo điều kiện trở về quê hương chứng kiến tận mắt sự phát triển của đất nước, thăm, viếng người thân, bạn bè, qua đó đã có chuyển biến về thái độ và quan điểm.
(Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi)